Từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, khó dự báo. Hiện tượng điển hình có thể thấy là sau các đợt nắng nóng gay gắt, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài vào đầu năm, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra mưa lớn, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ tại nhiều nơi.
Gần đây nhất, sau hơn hai tuần mưa liên tiếp do ảnh hưởng của bão Prapiroon (bão số 2) và vùng xoáy thấp, hiện chúng ta đang chứng kiến đợt nắng nóng ở Bắc Bộ, nhiệt độ cao nhất lên đến 35-36 độ C, có nơi trên 37 độ C, dù tiết lập thu đã cận kề (ngày 7-8).
Vấn đề đáng quan tâm là thiên tai đã gây thiệt hại rất lớn. Từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai đã làm 104 người chết và mất tích; thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.
Rõ ràng, thiên tai đang ngày càng thể hiện tính cực đoan, bất thường và xảy ra dồn dập trên khắp các vùng miền trong cả nước với cường độ lớn, phạm vi rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sản xuất, tính mạng, tài sản của người dân, sự phát triển bền vững của đất nước.
Một thông tin đáng chú ý vừa được Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu dự báo là từ nay đến tháng 10, có 7-8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó có khoảng 4-6 cơn ảnh hưởng đến Việt Nam. Con số dự báo này nhiều hơn cùng thời kỳ nhiều năm trước đó. Cụ thể, trong cùng thời kỳ 3 tháng (tháng 8, 9 và 10) ở giai đoạn 1991-2020, mỗi năm có khoảng 6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó có 3-4 cơn ảnh hưởng đến Việt Nam.
Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, nhiều khả năng các cơn bão, áp thấp sẽ hình thành ngay trên Biển Đông và có cường độ di chuyển nhanh vào bờ. Do bão đến dồn dập, diễn biến nhanh nên tổng lượng mưa tháng 9 ở Bắc Bộ phổ biến cao hơn 5-15%, tháng 10 cao hơn 10-30%. Còn ở Trung Bộ 3 tháng tới, dự báo lượng mưa phổ biến cao hơn 10-30%. Mưa lớn sẽ gây nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị; lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi.
Trước tình hình thiên tai có những diễn biến khó lường, trong Công điện số 75/CĐ-TTg ngày 4-8-2024, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới. Thủ tướng yêu cầu các địa phương chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão; tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trước mưa lũ và trước khi xảy ra bão, lũ theo quy định.
Như vậy, yêu cầu đặt ra với các bộ, ngành, địa phương là phải chủ động trong mọi tình huống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) trên tinh thần kịp thời, quyết liệt nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước khi thiên tai xảy ra.
Để đáp ứng yêu cầu trong mọi tình huống thiên tai, vấn đề cần quan tâm hiện nay là các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, mưa, bão, sạt lở, sụt lún… bảo đảm độ tin cậy, nhanh chóng. Trên cơ sở đó, các địa phương cần tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, dự báo và thông tin kịp thời về thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan cho cơ quan chức năng, địa phương, người dân biết để chủ động trong chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương án đã xây dựng.
Đặc biệt, người dân cần chủ động phòng tránh bằng cách nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai; thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình thiên tai, khí hậu và diễn biến thời tiết hằng ngày để có biện pháp ứng phó phù hợp, tránh thiệt hại không đáng có.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.