Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế- xã hội của cả nước đã tăng trưởng nhưng chưa bền vững

Lan Hương| 27/06/2013 16:32

(HNMO) – Ngày 27-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 6-2013 và đánh giá tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm với sự tham dự của các địa phương.

GDP 6 tháng đầu năm tăng 4,9%, lạm phát được kiềm chế

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá: Trong 6 tháng đầu năm hầu hết các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế đều tăng trưởng, góp phần đưa mức tăng trưởng GDP quý II lên 5%, cao hơn mức tăng của quý I và đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm lên 4,9%. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì đà phục hồi và có những chuyển biến đáng kể, tuy còn nhiều khó khăn. Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bước đầu đã có những tín hiệu tích cực.

Bên cạnh đó, lạm phát tiếp tục được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định. Lãi suất giảm, cùng nhiều biện pháp miễn giảm thuế, giãn thuế,... đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng trưởng tín dụng có chuyển biến; thanh khoản các ngân hàng thương mại được cải thiện; thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định. Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra; hoạt động nhập khẩu, nhất là nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ đầu tư và sản xuất kinh doanh cải thiện đáng kể; tỷ lệ nhập siêu thấp. Vốn ODA và FDI thực hiện đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người dân tộc thiểu số, người mất việc làm, hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất được quan tâm, các chính sách hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà thương mại đối với người có thu nhập thấp được quan tâm triển khai. An ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững;…

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự vững chắc; lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại; lãi suất tuy giảm nhưng việc tiếp cận vốn vay còn nhiều trở ngại do khó khăn trong việc xử lý nợ xấu; dư nợ tín dụng tăng chậm. Thị trường và sức mua có chuyển biến nhưng chậm. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt thấp; tiến độ thu NSNN không đạt kế hoạch và thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Tình hình tai nạn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cả về số vụ lẫn số người thương vong so với cùng kỳ năm trước. Đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, người mất việc làm, đồng bào dân tộc, người miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất tập trung vào một số giải pháp tiền tề, tài khóa; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng sức mua, tăng tổng cầu nền kinh tế; hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản; đảm bảo an sinh xã hội…



Địa phương đề nghị nên kích cầu tiêu dùng, nới lỏng tín dụng

Phản ảnh về tình hình thực tế tại các địa phương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết: Trong điều kiện khó khăn, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thành ủy, HĐ ND , UBND TP, sự triển khai tích cực của các ngành, các cấp, kinh tế Thủ đô vẫn duy trì tăng trưởng khá, lạm phát được kểim soát thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, góp phần ổn định đời sống nhân dân và kinh tế vĩ mô cả nước.

Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước tăng 7,67%, trong đó dịch vụ tăng 8,5%, công nghiệp- xây dựng tăng 7,46% và nông nghiệp tăng 2,95%. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đây là mức tăng trưởng khá (cao hơn 4,89% quý I của cả nước), tuy nhiên thấp hơn kế hoạch cả năm (8-8,5%).

Mặc dù kinh tế- xã hội 6 tháng có những chuyển biến tích cực, đạt được kết quả khá nhưng UBND TP Hà Nội đánh giá, việc triển khai còn chậm, chưa vững chắc và còn một số hạn chế, yếu kém. Trong đó tăng trưởng thấp so với kế hoạch năm, thu ngân sách đạt thấp so với cùng kỳ và dự toán. Việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục khó khăn. Số doanh nghiệp đăng ký mới giảm, doanh nghiệp ngừng hoạt động lớn. Tồn kho bất động sản và vật liệu xây dựng chậm được giải quyết. Lãi suất ngân hàng tuy giảm nhưng dư nợ tín dụng thấp, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng. Công tác cải cách hành chính còn chuyển biến chậm,một bộ phận cán bộ, công chức còn trì trệ, chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là thái độ ứng xử còn cửa quyền.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 8-8,5% như kế hoạch, 6 tháng cuối năm Hà Nội cần đạt mức tăng trưởng từ 8,3- 9,26%. Đặc biệt, cần tập trung vào các khâu đột phá như hỗ trợ thị trường, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả 7 nhóm giải pháp: hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho; hỗ trợ vay vốn, lãi xuất tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh...

Trong 6 tháng cuối năm, Hà Nội thống nhất cao với Bộ KH&ĐT việc tiếp tục thực hiện cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN, vốn, tín dụng, giải quyết hàng tồn kho. Tiếp tục khuyến khích phát triển nông nghiệp; Có cơ chế chính sách tăng sức mua, tăng tổng cầu. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nên triển khai kích cầu tiêu dùng, kích đầu tư công, trong bối cảnh kiềm chế lạm phát, nới lỏng tín dụng hơn để DN có thể tiếp cận được nguồn vốn.

Bên cạnh đó, ý kiến từ ông Lê Hồng Quân – Chủ tịch TP Hồ Chí Minh cho biết: 6 tháng đầu năm GDP của TP tăng trên 7%, so với cùng kỳ thấp hơn 0,2%; CPI tăng 0,12%. Như vậy trong suốt 13 năm qua CPI của TP Hồ Chí Minh chỉ tăng dưới 1%.

Theo Chủ tịch TP Hồ Chí Minh, nhiệm vụ còn lại rất khó khăn, một số khoản vay ngân sách 2000 tỷ đồng đề nghị cho gia hạn để xử lý trong thời gian tới.TP sẽ tập trung giải quyết trên 2000 căn hộ tồn kho. Từ nay đến cuối năm sẽ rà soát, chuyển căn hộ thương mại sang nhà ở xã hội, tập trung vào đối tượng công nhân viên chức, lực lượng vũ trang. Bên cạnh đó, Chủ tịch TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị lãi suất cho vay trong thời gian tới điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Cần hỗ trợ DN chuyển sang xây dựng nhà ở xã hội, đẩy nhanh tiến độ GPMB

Về phía các bộ, ngành đóng góp ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tập trung vào việc đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, tạo thuận cho các DN chuyển từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội; Gắn tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS với chính sách phát triển nhà ở (đến tháng 3-2013, cả nước tồn kho 125.450 tỷ đồng, tương ứng với 65.000 tỷ đồng căn hộ chung cư và nhà ở thấp tầng; đất nền tồn kho khoảng 60.000 tỷ. Với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội, Bộ trưởng đề nghị các ngân hàng thương mại tạo thuận lợi về thủ tục để người dân được vay vì hiện nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho biết, cả nước hiện có 2000 nhà chung cư cũ, chất lượng xuống cấp, các địa phương cần kiểm soát, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải lại đề nghị các địa phương tập trung cho công tác GPMB các dự án trọng điểm. Đường Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai, nhà ga T2 Nội Bài, Thái Nguyên – Hà Nội… đang rất chậm trong khâu GPMB. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần bố trí đủ vốn ODA để thi công các dự án.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp phát triển KTXH 6 tháng cuối năm

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, trong 6 tháng vừa qua trong bối cảnh khó khăn, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc thực hiện các giải pháp của Chính phủ (Nghị quyết 01- 02); tuy việc triển khai các chủ trương còn chậm. Trong thời gian tới cần quyết liệt hơn trong khâu thực hiện, thể chế hóa. Ví như với công ty mua bán nợ, triển khai mất 6-7 tháng mới ra được chủ trương. Với nhà ở thu nhập thấp cũng còn nhiều ý kiến; xây nhà ở xã hội theo tiêu chuẩn nào (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sẽ khác các địa phương khác)?

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị trong thời gian tới phải phát huy các kết quả đã đạt được, mô hình tốt, khắc phục yếu kém, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu đã đề ra về kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh, quốc phòng.

Mặt khác, Thủ tướng lưu ý việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; trong 6 tháng cuối năm phải tập trung kiểm soát tiền tệ, tỷ giá, giá cả, tăng tổng cầu, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5%. Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất phù hợp với lạm phát; tăng dư nợ tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên, cho đúng DN có triển vọng, có thị trường tiêu thụ. Thủ tướng đánh giá cao việc kiểm soát được thị trường vàng trong thời gian qua.

Tuy nhiên, trong thời gian tới cần tập trung thu – chi ngân sách (có khả năng hụt thu 65.000 tỷ); đề nghị các địa phương tiết kiệm chi, chậm lại việc triển khai các dự án chưa thực sự bức xúc. Với những dự án trọng điểm sẽ ứng trước vốn, như cho dự án Quốc lộ 1A… Các địa phương cần tập trung cho công tác GPMB. Chính phủ sẽ phát hành thêm trái phiếu Chính phủ để có thêm vốn triển khai các dự án. Các DN tạo thuận lợi cho DN vay vốn. Tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội, đơn giản hóa thủ tục triển khai…

Ngoài ra, đang vào mùa mưa bão, Thủ tướng nhắc các địa phương tập trung phòng chống; kiểm soát, hạn chế tai nạn giao thông; các bộ, ngành chú trọng cải cách thủ tục hành chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế- xã hội của cả nước đã tăng trưởng nhưng chưa bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.