Bức tranh kinh tế - xã hội trong tháng 7 và 7 tháng của năm 2023 mang nhiều dấu hiệu tích cực, tiếp tục được thể hiện qua những con số tăng trưởng lạc quan. Trong đó đáng ghi nhận là giá cả cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát
Tuy nhiên, thời gian còn lại của năm 2023, nhiều khó khăn, thách thức hiện hữu rõ nét, đòi hỏi các cấp, ngành, doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa.
Vốn đầu tư nước ngoài tăng trở lại
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29-7, Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 7-2023 ước tính tăng 3,9% so với tháng 6 và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 7 tháng của năm 2023, IIP ước tính giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,6%). Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương.
Tình hình đầu tư ghi nhận nhiều dấu hiệu khả quan khi vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 7 ước đạt 58,5 nghìn tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, vốn đầu tư ước đạt hơn 291 nghìn tỷ đồng, bằng 41,3% kế hoạch năm và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 39,7% và tăng 12,3%).
Đặc biệt, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-7 đạt 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), điểm tích cực là vốn thực hiện ước đạt 11,58 tỷ USD, cho thấy các giải pháp phục hồi kinh tế của Chính phủ trong những tháng đầu năm 2023 đã mang lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư. Thêm vào đó, lần đầu tiên trong năm 2023, tổng vốn đầu tư đăng ký đã tăng so với cùng kỳ (tăng 4,5%), sau khi giảm liên tục trong 6 tháng.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,45% so với tháng trước và bình quân 7 tháng của năm 2023 tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là con số đáng chú ý. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhận định, đây là mức tăng tương đối thấp trong điều kiện lạm phát ở nhiều quốc gia trên thế giới vẫn cao.
Với số liệu lạm phát cơ bản tăng 4,65%, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, lạm phát đang được kiểm soát theo đúng kịch bản, góp phần quan trọng vào việc phục hồi kinh tế.
Cần nỗ lực nhiều hơn nữa
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Sản xuất công nghiệp tuy tăng trở lại nhưng mức tăng còn thấp, trong khi đây là lĩnh vực có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 7 tháng qua, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong tháng 7-2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29,68 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 7 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Cũng như sản xuất công nghiệp, xuất khẩu giảm mạnh đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế chung.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong 5 tháng còn lại của năm 2023, bên cạnh diễn biến thuận lợi như môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cũng đứng trước những rủi ro khi nhiều đối tác thương mại rơi vào suy thoái, lạm phát; vốn đầu tư công chậm giải ngân; giá nguyên, nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất diễn biến bất ổn... Thêm vào đó, những áp lực đến từ thị trường tài chính trong nước...
Về giải pháp trong những tháng cuối năm, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tập trung thúc đẩy thị trường nội địa thông qua các chương trình kích cầu. Thực tế cho thấy những tháng qua tiêu dùng nội địa đã có đóng góp đáng kể cho tăng trưởng. Thậm chí, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất, kinh tế thế giới gần như “đóng băng” thì thị trường nội địa trở thành một trong những trụ cột giúp Việt Nam giữ được tăng trưởng dương. Cùng với đó là tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.
Về phía các bộ, ngành, địa phương, nhiều giải pháp cũng đang được thực thi, như tăng cường kết nối, xúc tiến thương mại, đầu tư, khai thác thị trường xuất khẩu mới bên cạnh thị trường truyền thống. Đặc biệt, trong bối cảnh sản xuất, xuất khẩu giảm sút, đầu tư công được coi là động lực tăng trưởng. Vì vậy, việc thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này đang được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, với mục tiêu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định, tăng trưởng GDP quý II-2023 đạt 4,14% so với cùng kỳ năm 2022, là tốc độ tăng thấp trong nhiều năm. Để đạt mục tiêu cả năm, tăng trưởng kinh tế những tháng còn lại phải rất cao. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Hà Nội thu hút 2.282 triệu USD vốn FDI
Cục Thống kê Hà Nội cho biết, tính chung 7 tháng của năm 2023, toàn thành phố thu hút 2.282 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó, đăng ký cấp mới 233 dự án với số vốn đạt 97,5 triệu USD. Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội tháng 7-2023 tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7-2023 của Hà Nội đạt 1,406 tỷ USD, tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 7 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 9,4 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số CPI tháng 7 tăng 0,44% so với tháng trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.