Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Trung Quốc: "Cỗ máy" đã giảm tốc

Quỳnh Chi| 22/01/2016 06:25

(HNM) - Với tỉ lệ 6,9% cho cả năm 2015, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua.

Theo báo cáo đầu tiên được Trung Quốc công bố trong năm 2016, chỉ số hoạt động của ngành công nghiệp (PMI) trong tháng 12-2015 đạt gần 49,7 điểm. Đây là mức thấp nhất kể từ 3 năm qua. Như vậy, đây là tháng thứ 5 liên tiếp các hoạt động trong khu vực công nghiệp tại nước này tiếp tục bị thu hẹp lại và rơi xuống mức tồi tệ nhất kể từ năm 2009 tới nay. Trong khi đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa công bố số liệu cho thấy kim ngạch thương mại của nước này trong năm 2015 đã giảm 7% so với năm trước đó, xuống còn 24.590 tỷ nhân dân tệ (khoảng 3.740 tỷ USD) trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại và giá dầu liên tục lao dốc. Kết quả này thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu chỉ giảm 6% của Chính phủ Trung Quốc, đồng thời ghi dấu năm thứ 4 liên tiếp kim ngạch thương mại không đạt mục tiêu đề ra.

Ảnh minh họa từ internet


Nhìn lại mô hình phát triển của Trung Quốc, được áp dụng từ cuối thập niên 1970, chủ yếu dựa trên hai yếu tố: Đầu tư và nguồn nhân lực dồi dào của nước đông dân nhất địa cầu. Nhờ đó, Trung Quốc trở thành "công xưởng của thế giới". Vào giai đoạn 2008-2009, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xuất phát từ Mỹ nổ ra, Trung Quốc vẫn còn vững tâm nhờ có một khoản dự trữ ngoại tệ hơn 3.000 tỷ USD. Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho nền kinh tế đất nước này lâm vào tình trạng như hiện nay?

Kết quả nhiều nghiên cứu được Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey, Ngân hàng Anh Royal Bank of Scotland và một số cơ quan khác cho thấy, chính lực đầu tư mạnh - vốn đã giúp Trung Quốc trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất - là "thủ phạm" dẫn tới tình trạng dư thừa công suất tại nhiều ngành công nghiệp. Quả thực, nhìn vào chỉ số tăng trưởng nợ quốc gia của quốc gia đông dân nhất thế giới trong vòng khoảng hai thập kỷ trở lại đây, các nhà kinh tế không khỏi bàng hoàng. Trung Quốc đang thực sự là một cỗ máy "xay tiền" khổng lồ của thế giới khi thu hút tất cả những nguồn vốn có thể gọi đến và ngốn ngấu tất cả. Hậu quả là, nợ công đã nhân lên gấp 4 lần trong vỏn vẹn 7 năm, từ 2007 đến 2014, nhảy vọt từ 7.000 tỷ USD lên thành 28.000 tỷ USD, lớn gấp 2,8 lần so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nợ doanh nghiệp ở Trung Quốc cũng đang đạt mức cao nhất thế giới (125% GDP) còn nợ địa phương ở nước này cũng đã tăng lên ba lần chỉ trong vòng 7 năm qua.

Đáng lo ngại là, để bảo đảm có được đà tăng trưởng trên 10% những năm gần đây, Trung Quốc đã chấp nhận để cho núi nợ lớn dần. Mô hình này, cuối cùng đã chạm tới mức giới hạn của nó. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn gần như không có một biện pháp mạnh mẽ nào để kiểm soát quả bom nổ chậm khổng lồ này. Dù Chính phủ Trung Quốc đã cho phép các địa phương được gia hạn các khoản nợ sắp đến hạn chi trả với lãi suất thấp, nhưng đây vẫn chỉ là một động thái giúp trì hoãn trong thời gian ngắn chứ không thể khiến khối nợ công khổng lồ đó giảm đi.

Viện Nghiên cứu McKinsey cảnh báo rằng, nếu như Trung Quốc để chỉ số nợ nần tiếp tục tăng trưởng như thời gian vừa qua thì tổng mức nợ quốc gia của nước này có thể đạt đến mức 400% GDP vào năm 2018 - một mức nợ gần như chắc chắn sẽ nhấn chìm Trung Quốc vào một cuộc khủng hoảng trước năm 2020.

Giải pháp duy nhất khả dĩ có hiệu quả hiện nay được các học giả Trung Quốc đề cập là chính phủ nước này cần tạo ra một hệ thống tập trung giải quyết tình trạng nợ. Trong đó, Bắc Kinh cần thành lập những tổ chức riêng biệt chịu trách nhiệm mua những khoản nợ xấu của doanh nghiệp - cả quốc doanh lẫn tư nhân - và các địa phương để tiến hành cơ cấu nó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nước này sẽ phải chi ra hàng chục tỷ USD mỗi năm để giải quyết tình trạng nợ. Trong bối cảnh mà nền kinh tế thứ hai thế giới đang có dấu hiệu tăng trưởng chững lại và cần các động thái kích thích kinh tế hơn bao giờ hết để duy trì tốc độ tăng trưởng, thì việc mất đi hàng chục tỷ USD mỗi năm để giải quyết nợ xấu chẳng khác nào một đòn chí tử vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng. Nhưng xem ra giải pháp này dễ chịu hơn việc níu kéo tốc độ tăng trưởng và để cho quả bom nợ nần tiếp tục phình to một cách đáng lo ngại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Trung Quốc: "Cỗ máy" đã giảm tốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.