(HNM) - Còn một tháng nữa là kết thúc năm 2022, song có thể khẳng định, kinh tế của Thủ đô đã phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ. Hà Nội - với vai trò là một trung tâm, đầu tàu kinh tế sẽ có đóng góp xứng đáng vào tăng trưởng chung của cả nước. Tại Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII vừa diễn ra, những thành tựu đáng ghi nhận cũng như tồn tại, hạn chế đã được Thành ủy, UBND thành phố làm rõ, đánh giá một cách toàn diện và đề ra giải pháp, với mục tiêu duy trì sức tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Dự kiến đạt và vượt 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Theo Cục Thống kê Hà Nội, tính chung 11 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9%. Bên cạnh đó, Hà Nội có 27,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 26%; vốn đăng ký đạt 312,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4%. Cùng thời gian trên, thành phố thu hút 1,54 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 11,6%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn thành phố đạt 15,4 tỷ USD, tăng 11,4%. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn là: Dệt, may; máy vi tính; hàng điện tử và linh kiện...
Năm 2022, dù thành phố phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; tập trung dành nguồn lực để khắc phục ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, song với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, kinh tế - xã hội đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng. Thành phố dự kiến đạt và vượt tất cả 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng khá cao, ước đạt 8,8%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (khoảng 8%). Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 774,1 nghìn tỷ đồng; GRDP/người đạt mức 142,3 triệu đồng.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đánh giá, Hà Nội đã thực hiện hiệu quả các giải pháp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành: Du lịch, giải trí, vận tải, logistics... Thị trường nội địa được khai thác hợp lý đã tạo ra dư địa cho nhiều ngành kinh doanh phát triển. Ngoài ra, việc giữ được mức lạm phát thấp là một thành công quan trọng trong điều hành, từ đó góp phần bình ổn, giữ vững an sinh và làm cho chất lượng của tăng trưởng thực chất hơn.
Thực tế, kết quả trên có được chủ yếu nhờ sự nỗ lực chủ quan trong bối cảnh các yếu tố khách quan nhiều bất lợi. Trong đó, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, như tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng duy trì 100%; doanh nghiệp được xác định là đối tượng phục vụ trên tinh thần đồng hành từ mỗi cơ quan, công chức, viên chức. Các dịch vụ và nhiệm vụ cải cách hành chính thực hiện hiệu quả đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí liên quan đến giấy phép kinh doanh, thuế, hải quan... được duy trì và đơn giản hóa đến mức tối đa. Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ và thành phố luôn đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp; tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp ra đời, phát triển cũng như đóng góp cho xã hội.
Chủ động thúc đẩy tăng trưởng
Dù đạt kết quả tích cực song trước mắt cũng còn không ít thách thức, bất lợi cần nhận diện, khắc phục. Trong 11 tháng qua, có khoảng 19 nghìn doanh nghiệp rời bỏ thị trường; sức chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp đang bị bào mòn bên cạnh tình trạng bị động, lúng túng trước sự biến động về nguồn cung và đầu ra cho sản phẩm... Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp so với mục tiêu cũng là hạn chế được chỉ ra, mà nguyên nhân nằm ở khâu giải phóng mặt bằng, thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Với tiền đề là kết quả tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2022, năm 2023, thành phố Hà Nội phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 7% trở lên; vốn đầu tư xã hội tăng 10,5-11%, kim ngạch xuất khẩu tăng 7,5-8%. Để đạt được mục tiêu đó, theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại - đầu tư và du lịch; tăng tốc chuyển đổi số trong các lĩnh vực; đôn đốc tiến độ các dự án hạ tầng, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế…
Từ góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh chia sẻ, cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô mong nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của các cấp, ngành. Đó cũng là hiện thực hóa mục tiêu tăng tốc cải cách vì doanh nghiệp, tạo ra tăng trưởng kinh tế.
Tại Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là các lĩnh vực: Quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng; thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo… Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, quan điểm chỉ đạo của Thành ủy năm 2023 là các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa… Trong 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng lưu ý, bám sát Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, 10 chương trình công tác, các đề án, kế hoạch, chương trình của Thành ủy, rà soát lại từng nhiệm vụ, chỉ tiêu để từng đơn vị chủ động có kế hoạch, đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi; tập trung những nhiệm vụ, chỉ tiêu có khả năng không đạt để có giải pháp quyết liệt tháo gỡ khâu yếu, việc khó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.