Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế thế giới: Chưa qua “hôn mê sâu”

Vân Khanh| 09/11/2012 05:53

(HNM) - Thiếu vắng sự tham dự của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner, ông chủ Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Mario Draghi cũng như quan chức của hai nền kinh tế mới nổi là Trung Quốc và Brazil, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương nhóm G20 tại Mexico vừa kết thúc mà không đạt được thỏa thuận quan trọng nào.


Tuy nhiên, trong lần hội ngộ cuối của các quan chức G20 năm 2012, một lần nữa những nguy cơ về triển vọng kinh tế thế giới được nhận diện như thúc giục các biện pháp ứng phó trên phạm vi toàn cầu.


Hội nghị G20 đã đề cập đến nhiều nguy cơ của kinh tế thế giới.

Không lạc quan về sự hồi phục của kinh tế toàn cầu, các quan chức tài chính, ngân hàng G20 đã thẳng thắn thừa nhận "siêu bão" khủng hoảng 2008 vẫn chưa tan. Đà tăng trưởng toàn cầu vẫn rất hạn hẹp và thực tế khẳng định rằng thế giới vẫn còn rất nhiều việc phải làm để tránh sự đổ vỡ tài chính một lần nữa. Thể hiện lập trường ủng hộ lộ trình "thắt lưng buộc bụng" do ECB và các nước Châu Âu đang thực hiện nhằm thoát khỏi nợ nần, song G20 vẫn cho rằng cơn biến cố chưa lắng dịu tại Lục địa già đang là mối nguy hại với kinh tế thế giới. Chia sẻ quan điểm của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trước đó, những người nắm hầu bao của 20 nền kinh tế lớn nhất hành tinh cũng thúc giục Châu Âu hài hòa giữa "thắt lưng buộc bụng" và cân bằng ngân sách.

Mặc dù Cựu lục địa vẫn xem đây là phương thuốc đắc dụng nhưng rõ ràng, mặt trái của cắt giảm chi tiêu lại chính là tiêu hủy tăng trưởng kinh tế. Trong bản tuyên bố chung gồm 32 điểm, sự cải thiện chậm chạp về tốc độ tăng trưởng toàn cầu đã được G20 chỉ ra như mối quan ngại lớn nhất hiện nay. Bên cạnh Châu Âu đang rối bời trong lo lắng, những nỗ lực kích cầu của Mỹ và Nhật Bản được cho là chưa đủ mạnh để đánh thức nền kinh tế thế giới ra khỏi cơn "hôn mê sâu". Khi nước Mỹ vừa xác định được người chèo lái 4 năm tiếp theo sau cuộc bầu cử gay cấn với chiến thắng vang dội của Tổng thống Barack Obama thì cũng là lúc ông chủ Nhà Trắng phải đối mặt với một cuộc chiến ngân sách tại Quốc hội. Nhiệm vụ giảm thâm hụt ngân sách đã vượt 1.000 tỷ USD trong năm tài khóa thứ 4 liên tiếp và nâng mức trần nợ công để tránh nguy cơ cường quốc số 1 thế giới cạn tiền hiện không còn là mối quan tâm của riêng người Mỹ. Với vai trò đầu tàu kinh tế, mọi biến động tài chính của nước Mỹ lúc này sẽ tác động trực tiếp đến phần còn lại của thế giới. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi G20 mong đợi Washington có những điều chỉnh ngân sách hợp lý và không theo hướng sụt giảm chi tiêu công để tạo động lực cho tăng trưởng toàn cầu.

Khả năng một chân kiềng quan trọng nữa là Nhật Bản siết chặt tài chính trong thời gian tới cũng được G20 gióng lên hồi chuông cảnh báo với thế giới. Dù bị ảnh hưởng nặng nề sau thảm họa thiên tai (2011) nhưng vị trí của Nhật Bản trên bản đồ kinh tế toàn cầu là không thể thay thế. Cuộc tập hợp tại Mexico tin tưởng Tokyo củng cố tài chính trong trung hạn thành công sẽ góp phần đáng kể bảo đảm sự hồi phục bền vững của kinh tế thế giới. Vấn đề này đặc biệt có ý nghĩa khi sự sa sút của những nền kinh tế mới nổi đã xuất hiện sau một thời gian tăng trưởng "nóng" như từng được cảnh báo. Do đó, nếu không có sự phối hợp toàn diện về cả chính sách lẫn kế hoạch, mục tiêu kéo kinh tế toàn cầu khỏi cơn suy thoái lần hai là rất khó khả thi. Cách thức quản trị ngân hàng có những lỗ hổng chết người từng tạo nên cơn khủng hoảng tài chính cách đây 4 năm và kết quả chi tiêu phung phí của nhiều quốc gia Châu Âu đã mang lại một hiệu ứng ngược như đang thấy. Nhưng, không ít chuyên gia tài chính lại cho rằng, nỗi lo sợ quá khứ đem đến sự thận trọng thái quá sẽ cản trở các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Chưa đưa ra được những cam kết đủ mạnh tại cuộc gặp Mexico, nhưng tuyên bố sẽ làm tất cả những gì có thể để giảm bớt bất ổn và tạo môi trường có lợi hơn với tăng trưởng của G20 đã phần nào trấn an nỗi lo về sự mong manh của kinh tế toàn cầu. Dẫu vậy, chặng đường phía trước đã được dự báo và dư luận hy vọng cỗ xe kinh tế thế giới sẽ vượt qua được những hiểm nguy với niềm tin và sự chia sẻ lẫn nhau như Giám đốc IMF Christine Lagarde vừa kêu gọi tại Mexico.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế thế giới: Chưa qua “hôn mê sâu”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.