Kinh tế

Kinh tế quý I: Nhiều kết quả tích cực

Hồng Sơn thực hiện 13/04/2025 06:36

Nền kinh tế Việt Nam vừa đi qua quý I và thu về nhiều kết quả tích cực, thể hiện sức vươn trong bối cảnh khó khăn, thuận lợi đan xen, với sự tỉnh táo, quyết tâm và điều hành linh hoạt của Chính phủ.

Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) Nguyễn Thị Hương về nội dung này cũng như triển vọng kinh tế năm 2025.

Kết quả tích cực và triển vọng

tai-chinh.jpg
Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) Nguyễn Thị Hương. Ảnh: Hoàng Yến

- Bà đánh giá thế nào về tăng trưởng GDP quý I - 2025?

- Tình hình kinh tế - xã hội quý I-2025 của nước ta duy trì xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mục tiêu đặt ra cả năm là 8% nhưng là mức tăng cao nhất của quý I so cùng kỳ kể từ năm 2020. Ngành công nghiệp, xây dựng quý I tăng trưởng khá (7,42%), giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,32%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,28%. Thu hút vốn đầu tư FDI đạt kết quả tích cực, vốn đầu tư thực hiện của khu vực này tăng 9,3% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh, giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 10%, dịch vụ tăng 18%.

Quý I, Việt Nam tiếp tục xuất siêu hàng hóa hơn 3 tỷ USD. Những kết quả trên là rất đáng ghi nhận.

- Theo bà, những động lực và yếu tố nào tác động đến tăng trưởng trong các quý tới?

- Trước những khó khăn, thách thức từ tình hình thế giới, ngay từ tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Dự báo, các quý tiếp theo sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt hơn.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghệ cao. Trong khi đó, kinh tế số, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng mới, nền tảng cho tăng năng suất, hiệu quả của nền kinh tế.

Tận dụng các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP để mở rộng thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng chủ lực và có lợi thế của Việt Nam… giảm sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ; tham gia sâu và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng của thế giới.

Đầu tư công được thực hiện mạnh mẽ. Chính phủ đang quyết tâm triển khai các chương trình, dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, điện hạt nhân, thu hút “đại bàng” trong lĩnh vực công nghệ.

Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng

sua.jpg
Các doanh nghiệp phấn đấu để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP của nước ta đạt 8%. Trong ảnh: Đóng gói sản phẩm tại Công ty Sữa quốc tế AIC (huyện Ba Vì). Ảnh: Nguyễn Quang

- Vậy nên nhận diện dư địa cho tăng trưởng như thế nào, thưa bà?

- Cần xác định, tăng trưởng quý I đạt 6,93% thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 7,7% đưa ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 8-1-2025 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinhtế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 (ứng với kịch bản GDP đạt 8%) tạo sức ép lên các quý tiếp theo, trong khi bối cảnh thế giới còn rất nhiều thách thức. Việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 càng khó khăn; đặc biệt là phải đồng thời triển khai khối lượng lớn công việc, bảo đảm tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.

Tuy nhiên, dư địa tăng trưởng kinh tế trong các quý tiếp theo khá rõ. Thứ nhất, đầu tư công và đầu tư nước ngoài tiếp tục là cánh tay đắc lực cho tăng trưởng kinh tế. Chính sách và giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng như thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài đang được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, sẽ là cầu nối cũng như bước đệm quan trọng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.

Thứ hai, chuyển đổi số và đổi mới công nghệ đang trong giai đoạn bùng nổ, sẽ mở ra các cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất, để giảm chi phí nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh.

Thứ ba, tăng trưởng tín dụng phấn đấu mục tiêu đạt 16% trong năm 2025, được kỳ vọng là cú hích lớn cho thị trường bất động sản. Cùng với các chính sách tháo gỡ pháp lý, mở ra cơ hội cho thị trường bất động sản vượt qua khó khăn, từ đó kích thích phát triển ngành xây dựng.

Thứ tư, tiêu dùng được hỗ trợ bởi các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng và các chính sách thương mại kích cầu tiêu dùng trong nước.

Thứ năm, tăng cường chính sách miễn thị thực cho nhiều quốc gia và chiến lược quảng bá du lịch sẽ giúp Việt Nam phát triển và thu hút khách trong mùa du lịch sắp tới.

- Theo bà, kịch bản tăng trưởng là gì?

- Như đã biết, với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8,0% trở lên, nhằm tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030, trên cơ sở kết quả ước tính quý I-2025, dự báo tình hình quý II và cả năm, Cục Thống kê đã cập nhật kịch bản tăng trưởng GDP các quý năm 2025 để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% như sau: Quý I tăng 6,93%, quý II tăng 8,2%, quý III và Quý IV lần lượt là 8,3% và 8,4%; tính chung tăng trưởng 9 tháng cuối năm phải tăng trên 8,3%.

Cần triển khai một số giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Đó là, thực hiện chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ linh hoạt bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục khó khăn và phát triển kinh tế đã nêu trong các chỉ thị, công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chủ động phát triển nông nghiệp bền vững; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng.

Tăng cường thu hút đầu tư có chọn lọc vào ngành chế biến, chế tạo, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu. Thúc đẩy đổi mới công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, tự động hóa dây chuyền sản xuất, ứng dụng AI và Big Data để nâng cao năng suất và quản lý chuỗi cung ứng.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án giao thông hạ tầng lớn có tính lan tỏa như đường vành đai, đường cao tốc, tuyến metro. Đẩy nhanh đồng thời kiểm soát tiến độ giải ngân đầu tư công...

- Riêng vấn đề ứng phó với thuế đối ứng của Hoa Kỳ thì thế nào, thưa bà?

- Để giảm thiểu tác động tiêu cực của chính sách thuế đối ứng, Việt Nam cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau: Tăng cường đối thoại song phương với Hoa Kỳ để làm rõ các yếu tố lợi ích thương mại song phương giữa hai quốc gia, khẳng định Việt Nam là đối tác thương mại công bằng và đáng tin cậy. Tiếp tục chủ động, tích cực và dùng nhiều kênh, nhiều biện pháp khác nhau nhằm cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin sớm cho doanh nghiệp về thuế đối ứng, giúp doanh nghiệp chuẩn bị dữ liệu và sẵn sàng ứng phó nhằm bảo vệ quyền lợi tại thị trường Hoa Kỳ, từ đó có giải pháp giảm thiểu tác động của thuế quan đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế quý I: Nhiều kết quả tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.