Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Pakistan: Bên bờ vực vỡ nợ

Quỳnh Dương| 15/05/2023 06:57

(HNM) - Nhiều năm quản lý tài chính sai lầm và bất ổn chính trị đã đẩy nền kinh tế Pakistan đến bờ vực sụp đổ. Tình hình gần đây càng trầm trọng hơn bởi hậu quả của trận lũ lụt lịch sử hồi tháng 9-2022 và cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Sự chậm trễ trong các cuộc thảo luận với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khiến dư luận lo ngại Pakistan sẽ nhanh chóng lâm vào tình trạng vỡ nợ.

Bất ổn chính trị tại Pakistan đang cản trở tiến trình xem xét các khoản cứu trợ của IMF.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, quốc gia 230 triệu dân này hy vọng IMF sẽ sớm giải ngân các gói cứu trợ trị giá 6,5 tỷ USD, sẽ hết hạn vào tháng 6-2023. Gói cứu trợ này được IMF đồng ý cấp cho Pakistan từ năm 2019, song các khoản giải ngân đã tạm ngưng vào năm ngoái do Chính phủ Pakistan tiếp tục thực hiện chính sách trợ cấp giá nhiên liệu dưới áp lực của Quốc hội và cử tri. Động thái này đã vi phạm các điều khoản mà IMF đề ra để đáp ứng gói giải cứu cho Pakistan.

Hiện tại, Islamabad đã làm theo các khuyến cáo của IMF nhưng nền kinh tế nước này tiếp tục phát sinh thêm nhiều rủi ro mới. Dựa trên tình hình thực tế, IMF đã yêu cầu Pakistan thu xếp khoản vay mới trị giá 8 tỷ USD để hỗ trợ trả nợ nước ngoài vào 7 tháng tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị bất ổn, Chính phủ Pakistan chưa thể thông qua đề xuất của IMF. Lịch họp của ban điều hành IMF cũng chưa có bất cứ kế hoạch nào để bàn về vấn đề của Pakistan cho tới trước ngày 17-5. Chuyên gia kinh tế cao cấp thị trường châu Á mới nổi tại tổ chức Capital Economics, Gareth Leather cho biết, IMF sẽ thận trọng hơn khi tái khởi động các thỏa thuận cho vay với Pakistan trong bối cảnh các cuộc biểu tình vẫn diễn ra tại quốc gia Nam Á này.

Theo đánh giá của Ngân hàng Trung ương Pakistan (SBP), giá trị đồng nội tệ rupee so với USD đã giảm gần 50% trong 12 tháng qua, giao dịch ở mức 290,22 rupee/1 USD - mức thấp nhất trong lịch sử. Dự trữ ngoại hối hiện ở mức 4,457 tỷ USD, chỉ đủ để chi trả cho hàng hóa nhập khẩu trong 1 tháng. Tỷ lệ nợ công trên GDP ở mức 73,5% khiến Chính phủ đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Tại phiên đấu giá trái phiếu chính phủ mới nhất, Pakistan chỉ có thể huy động được 63 tỷ rupee (222 triệu USD) so với mục tiêu 100 tỷ rupee ban đầu. Ngân hàng Trung ương Pakistan hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đất nước năm 2023 từ 1,3% xuống 0,1%, đồng thời cảnh báo về “cú sốc lạm phát” do cuộc đàm phán giữa Pakistan và IMF bị đình trệ, trong khi lãi suất cơ bản đã tăng lên mức kỷ lục là 21%.

Trên chính trường, bất ổn ngày càng gia tăng kể từ khi Thủ tướng Imran Khan bị lật đổ ngày 10-4-2022 trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của Quốc hội. Kể từ đó, cựu lãnh đạo này dẫn đầu làn sóng biểu tình chống lại Chính phủ hiện tại, đồng thời cáo buộc họ thông đồng với quân đội để phế truất bản thân mình. Căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên một mức mới khi cựu Thủ tướng Imran Khan bị bắt giữ hôm 9-5 bởi những cáo buộc tham nhũng. Một số lãnh đạo đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) của ông Imran Khan cũng bị bắt giữ trong hai ngày 10 và 11-5. Phản ứng trước diễn biến trên, những người ủng hộ ông Khan đã xông vào các tòa nhà quân sự và nơi ở của một tướng quân đội hàng đầu ở thành phố Lahore, thủ phủ tỉnh Punjab và là quê nhà của ông Khan. Ở nhiều địa phương khác, đám đông người biểu tình cũng tấn công, đốt phá các tòa nhà, tài sản của chính quyền.

Biến động chính trường đã làm trì hoãn và phức tạp thêm các cuộc thảo luận với IMF. Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pakistan, Reza Baqir cũng nhận định, IMF hoàn toàn có đủ khả năng và sự linh hoạt để giúp đỡ các nước thành viên bất chấp hoàn cảnh chính trị khác biệt. Tuy nhiên, quốc gia đó phải đề xuất một kế hoạch đáng tin cậy, đủ năng lực tài chính giải quyết vấn đề cán cân thanh toán trong bối cảnh bất ổn chính trị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Pakistan: Bên bờ vực vỡ nợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.