(HNM) - Sau hai quý đầy nỗ lực tăng trưởng dương, kinh tế Nhật Bản quý I năm nay lại tăng trưởng âm, khiến mong muốn sớm phục hồi sau đại dịch trở nên bấp bênh, đòi hỏi có những biện pháp “tăng lực” hiệu quả hơn. Giữa bối cảnh khó khăn, giờ chính là lúc chính quyền của Thủ tướng Kishida Fumio phải chứng tỏ khả năng điều hành để bảo đảm dòng chảy lương thực và năng lượng ổn định, làm dịu đi những biến động, qua đó củng cố triển vọng tăng trưởng đối với kinh tế Nhật Bản trong dài hạn.
Số liệu tổng kết do Văn phòng Nội các Nhật Bản vừa công bố cho thấy, sau quý IV-2021 bùng nổ với mức tăng trưởng 4,6%, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đảo quốc Mặt trời mọc trong quý I-2022 lại giảm 0,2%. Diễn biến mới khiến GDP nước này chưa trở lại mức trước đại dịch. Cùng với đó, việc năm quý gần nhất có tới 3 quý tăng trưởng âm cho thấy đà phục hồi vẫn hết sức mong manh, bất chấp thực tế là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đạt được tăng trưởng 2,1% trong toàn tài khóa 2021 (kết thúc vào tháng 3-2022) - lần đầu tiên trong 3 năm.
Theo giới quan sát, nguyên nhân chủ yếu khiến kinh tế Nhật Bản tăng trưởng âm trong quý đầu năm nay là do các biện pháp phòng dịch trọng điểm áp dụng ở 36/47 địa phương trên toàn quốc nhằm đối phó với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 6 đã khiến lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng trầm trọng. Cùng với đó, giá thực phẩm, nhiên liệu và năng lượng đồng loạt leo thang, trong khi đồng yen mất giá… đã khiến nhiều hộ gia đình Nhật Bản phải thắt chặt chi tiêu. Thực trạng này dẫn tới suy giảm tiêu dùng cá nhân - một trong hai trụ cột tăng trưởng chính của nền kinh tế số hai châu Á.
Dĩ nhiên, Nhật Bản không một mình đối mặt khó khăn lúc này, khi kinh tế thế giới cũng ảm đạm do những tác động của các cuộc khủng hoảng trên thị trường năng lượng, hệ thống tài chính và chuỗi cung ứng.
Báo cáo triển vọng và tình hình kinh tế thế giới (WESP) mới nhất của Liên hợp quốc đánh giá, kinh tế toàn cầu chỉ có thể tăng trưởng 3,1% trong năm 2022. Mức dự báo này thấp hơn đáng kể con số 4% đưa ra hồi đầu năm...
Tuy nhiên, với vị thế là một cường quốc, Nhật Bản lúc này nhiều triển vọng bứt phá hơn so với các nền kinh tế đang phát triển. Bộ trưởng Kinh tế Daishiro Yamagiwa cho rằng, mặc dù việc đưa GDP trở lại mức trước đại dịch còn nhiều khó khăn, song việc kinh tế Nhật Bản tiếp tục lao dốc khó xảy ra. Về phần mình, giới phân tích tỏ ra lạc quan trong bối cảnh các biện pháp phòng dịch trọng điểm nay đã dỡ bỏ.
Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) cho rằng, kinh tế quý II có thể đạt tốc độ tăng trưởng dương 1,3%. Chung quan điểm với dự báo này, nhà kinh tế học Hiroshi Shiraisi của BMW Paribas Security nhận định rằng, tốc độ phục hồi không cao có thể khiến Chính phủ Nhật Bản quyết định tung thêm các gói kích thích kinh tế. Tuy nhiên, giới chuyên môn chưa kỳ vọng vào đồ thị tăng trưởng hình V (vượt đáy), mà lo ngại đồ thị tăng trưởng hình sin như giai đoạn vừa qua còn tái diễn.
Trên thực tế, trong cố gắng đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng, Nhật Bản đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm giảm bớt tác động của tình trạng giá cả hàng hóa leo thang đối với nền kinh tế.
Nổi bật là việc thông qua dự thảo ngân sách bổ sung trong tài khóa 2022 trị giá 2.700 tỷ yen (khoảng 21 tỷ USD). Khoảng 1.500 tỷ yen trong số này sẽ bổ sung cho các quỹ dự phòng của chính phủ nhằm triển khai các biện pháp trong gói kích thích kinh tế khẩn cấp như: Trợ cấp cho các đơn vị nhập khẩu và bán buôn xăng dầu để giảm giá bán lẻ nhiên liệu; trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt cho các hộ gia đình thu nhập thấp. Khoảng 1.200 tỷ yen còn lại sẽ dùng để duy trì chương trình trợ giá xăng dầu tới cuối tháng 9-2022.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.