(HNM) - Đối mặt nguy cơ Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm quý thứ hai liên tiếp trong năm 2022, giới chức Mỹ cho rằng điều này không đồng nghĩa với sự suy thoái của nền kinh tế. Đồng thời, bày tỏ tự tin về khả năng phục hồi, "vượt đáy" an toàn nhờ sự can thiệp hiệu quả của các công cụ tài chính. Tất nhiên, khả năng phục hồi đến đâu còn phụ thuộc vào cả những yếu tố khách quan.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26-7 đã khẳng định nền kinh tế Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái bất chấp hàng loạt số liệu cho thấy GDP đang suy giảm trong quý thứ hai liên tiếp. Còn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen xác nhận đà tăng trưởng kinh tế nước này đang chậm lại khi GDP suy giảm 1,6% trong quý I-2022 và “dự kiến chỉ tăng trưởng khoảng 0,4% trong quý II”. Bộ trưởng Janet Yellen cho rằng, ngay cả khi tăng trưởng quý II-2022 ở mức âm cũng không đồng nghĩa với việc nền kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái.
Những tranh luận về khả năng nền kinh tế Mỹ suy thoái nảy sinh từ đầu năm 2022, khi nhập khẩu trở thành yếu tố dẫn đầu trong cơ cấu GDP. Báo cáo ngày 29-6 của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, GDP quý I-2022 giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, là quý đầu tiên GDP nước này giảm kể từ quý II-2020.
Theo nguyên tắc kinh tế chung, GDP tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp có nghĩa nền kinh tế rơi vào suy thoái kỹ thuật. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho rằng, không thể xem suy thoái kinh tế chỉ đơn thuần là sự sụt giảm của GDP, mà phải tính đến các vấn đề sâu xa hơn là sự suy giảm về thu nhập, việc làm, sản xuất công nghiệp và dịch vụ kéo dài và lan rộng trên phần lớn nền kinh tế - là những kịch bản rất khó xảy ra với nước Mỹ. Nhiều ý kiến chỉ ra, tốc độ tăng trưởng liên tục giảm là do Cục Dự trữ liên bang (FED) thời gian qua liên tiếp tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, song song thực trạng thị trường nhà đất suy yếu và các công ty công nghệ giảm tuyển dụng.
Những nhận định trên được hậu thuẫn bởi các số liệu mới công bố. Theo đài CNBC, lĩnh vực sản xuất của Mỹ quý vừa qua có suy giảm nhưng vẫn mở rộng, trong khi người tiêu dùng vẫn dồi dào tiền mặt phục vụ chi tiêu. Tình hình tuyển dụng của xứ Cờ hoa vẫn mạnh trong tháng 6-2022, khi có thêm 372.000 việc làm, còn tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức chỉ 3,6%. Dù vậy, việc giá tiêu dùng tại Mỹ tăng 8,6% trong năm 2021, là mức tăng mạnh nhất trong hơn 40 năm qua - khiến các nhà kinh tế chưa thể khẳng định việc suy thoái có xảy ra hay không.
Theo các phân tích, để giảm áp lực giá, Mỹ sẽ chấp nhận kinh tế suy thoái. Khảo sát các nhà kinh tế do hãng tin Bloomberg thực hiện cho thấy, khả năng suy thoái trong 12 tháng tới của Mỹ là 47,5%, cao hơn mức 30% hồi tháng 6. Lo lắng này có căn cứ, trong bối cảnh FED dự kiến thông qua một đợt tăng lãi suất 0,75% trong tuần này và sẽ còn tăng trong những tháng tới. Thậm chí, Chủ tịch FED Jerome Powell còn cho rằng, việc không ổn định được giá cả sẽ là “sai lầm lớn hơn” so với đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái.
Trong quan điểm của lãnh đạo FED, nền kinh tế Mỹ có sức mạnh tiềm ẩn và lạm phát sẽ giảm nhanh chóng sau khi lên cao.
Tuy nhiên, các ngân hàng lớn như Bank of America, Deutsche Bank… cũng cảnh báo, suy thoái kinh tế Mỹ còn phụ thuộc vào không ít yếu tố khách quan, trong đó có việc chi tiêu của người tiêu dùng. Khi người dân Mỹ giảm chi tiêu, nguy cơ xảy ra suy thoái là rất cao, chưa kể tới áp lực từ giá xăng dầu và những biến động khó lường của nền kinh tế toàn cầu.
Nhìn chung, nền kinh tế Mỹ đang trải qua giai đoạn rất khó khăn, nhưng vẫn còn tia hy vọng tăng trưởng nhờ tiềm lực mạnh mẽ và sự trợ giúp của những công cụ kinh tế, hướng tới "từ tốc độ tăng trưởng nhanh đến tăng trưởng ổn định" - như kỳ vọng của Tổng thống Joe Biden.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.