(HNM)- Thị trường Hà Nội đang vào giai đoạn cuối năm, nhu cầu đối với các loại hàng hóa, dịch vụ bắt đầu tăng lên. Tuy nhiên, tại các hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội, giá cả hai tuần qua gần như không có sự biến động nào đáng kể.
Từ nay đến cuối năm, do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, nên không riêng lương thực, thực phẩm, mà các mặt hàng khác sẽ diễn biến theo xu hướng tăng, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Thị trường hàng hóa chịu tác động của các yếu tố do nhu cầu hàng hóa tăng cao theo quy luật những tháng cuối năm và do yếu tố chi phí đẩy khi giá nguyên vật liệu NK, đồng thời tỉ giá có xu hướng biến động cao hơn. Ngoài ra, tâm lý lo ngại về kỳ vọng lạm phát trước diễn biến CPI và giá vàng tăng mạnh sẽ gây tác động đến tâm lý tăng giá trên thị trường. Hiện nay, đã bắt đầu vào vụ rau Đông nên khá đa dạng về chủng loại và số lượng, nhất là rau ăn lá. Vụ Đông năm nay, Hà Nội trồng được hơn 12.000 ha rau ăn lá, rau lấy củ, quả các loại. Những địa phương có truyền thống thâm canh rau màu, như Đông Anh, Từ Liêm, Thanh Trì, Chương Mỹ, Hoài Đức... vẫn duy trì được diện tích trồng rau ổn định. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, do nhu cầu tiêu dùng rau xanh tăng mạnh nên giá rau sẽ có biến động nhẹ. CPI tháng cuối năm phụ thuộc vào các yếu tố tăng giá cơ bản, như tỷ giá VND/USD đang có xu hướng tăng; bão lụt gây thiệt hại ở miền Trung; giá nhiều mặt hàng tăng... Ở góc độ cung hàng hóa, trong khi tồn kho nhiều mặt hàng công nghiệp chế biến đã hạ nhiệt, dẫn đến khả năng có thể tăng quy mô sản xuất trong giai đoạn cuối năm này, lãi suất ngân hàng vẫn còn cao có thể làm tăng chi phí đầu vào sản xuất. Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, trên cây trồng vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn những yếu tố bất ổn ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa và làm tăng chi phí sản xuất. Những phân tích và dự báo về xu hướng giá của nhiều mặt hàng trọng yếu trên thị trường thế giới chỉ ra khả năng giá dầu thô, gạo, sắt thép… tiếp tục tăng trong cuối năm 2010 và năm 2011. Song, Hà Nội đã có Quyết định 5554/QĐ-UBND về việc tạm ứng vốn đợt 2 cho 4 DN để thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ bình ổn giá trên địa bàn. Như vậy, Hà Nội đã tạm ứng vốn bình ổn giá dự trữ 9 nhóm mặt hàng thiết yếu sẵn sàng phục vụ tết, với tổng số 400 tỷ đồng, tương ứng với đủ để dự trữ 6.400 tấn gạo, 1.520 tấn thịt gia súc, 560 tấn thịt gia cầm, 12 triệu quả trứng, 1.280 tấn thực phẩm chế biến; 800 tấn thủy hải sản đông lạnh, 240 nghìn lít dầu ăn, 240 tấn đường, 4.000 tấn rau củ… Dự báo, trong tháng Tết, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tăng 20-22% so với các tháng trong năm, đạt 19.200 tỷ đồng/tháng. Nhu cầu tiêu dùng trong tháng Tết: 65.000 tấn lương thực; 9.000 tấn thịt lợn; 3.000 tấn thịt trâu bò; 6.000 tấn thịt gia cầm; 5.000 tấn thủy hải sản; 90.000 tấn rau củ quả; 1.300 tấn bánh mứt kẹo; 80 triệu lít rượu bia nước giải khát; 50 triệu lít xăng dầu... Trước nhu cầu tiêu dùng tháng Tết tăng cao, các DN đã chủ động dự trữ hàng hóa phục vụ người tiêu dùng bảo đảm về chất lượng; mở rộng mạng lưới, điểm bán hàng tại các khu vực đông dân cư và vùng nông thôn ngoại thành; tổ chức phiên chợ hàng Việt để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.