Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và dân số, Ấn Độ đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, đạt giá trị tới 10.000 tỷ USD ngay trong thập kỷ này. Thời điểm này, New Delhi đang đầu tư cho những "bệ phóng” mới hướng tới mục tiêu là một "đầu tàu" tăng trưởng của thế giới.
Hiện tại, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Các chuyên gia dự báo, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm của Ấn Độ là 6,7%. Theo dữ liệu của chính phủ nước này, GDP tăng 8,2% trong năm tài chính 2023-2024 và 7,2% trong năm tài chính trước đó. Hãng kiểm toán Deloitte (Anh) đánh giá, tốc độ tăng trưởng này đã củng cố vị thế của Ấn Độ - nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Những khảo sát của Deloitte cũng chỉ ra sự lạc quan và tin tưởng cao độ của nhiều lãnh đạo trong các ngành công nghiệp đối với sự tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục của Ấn Độ. Nhiều ý kiến cho rằng, nền kinh tế này sẽ vượt xa “phần còn lại” của thế giới trong những năm tới. Niềm tin lớn đến từ những dấu hiệu phổ biến như: Kinh tế nông thôn phục hồi; tín dụng, xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ và sự phát triển của sản xuất có giá trị cao… Ngành Nông nghiệp, đóng góp 18% vào GDP và tạo ra sinh kế cho 47% dân số Ấn Độ, có xu hướng dựa vào công nghệ tiên tiến và chính sách mới "để cải thiện cơ sở hạ tầng và năng suất".
Lạc quan về những chỉ số tiêu dùng tư nhân và đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng của Ấn Độ từ mức 6,6% lên 7% cho năm tài chính hiện tại. Trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng cho năm tài chính hiện tại của Ấn Độ lên 7%, tăng 20 điểm cơ bản. IMF nhấn mạnh sự gia tăng đáng kể trong tiêu dùng tư nhân là yếu tố chính thúc đẩy sự điều chỉnh này.
Tuy nhiên, để thực sự trở thành một "ông lớn" của kinh tế toàn cầu, Ấn Độ còn nhiều việc phải làm. Theo WB, mặc dù nền kinh tế Ấn Độ cho thấy khả năng phục hồi song để đạt được mục tiêu đầy tham vọng là xuất khẩu hàng hóa trị giá 1.000 tỷ USD vào năm 2030 đòi hỏi sự đa dạng hóa chiến lược và hội nhập sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, muốn duy trì tăng trưởng, Ấn Độ phải có những cải cách nhằm tăng cường giao dịch kinh doanh và hậu cần, tăng đầu tư của khu vực tư nhân và giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn công. Nước này cần tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng cảng và bờ biển để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đang tăng.
Lúc này, những nỗ lực chuẩn bị “bệ phóng” cho nền kinh tế đã được New Delhi khẩn trương thực hiện. Tháng 8-2024, Ấn Độ đã phê duyệt đề xuất xây dựng một cảng lớn ở bờ biển phía Tây đất nước để kết nối với các mạng lưới thương mại toàn cầu, bao gồm Nga, Trung Á và châu Âu. Cảng sẽ được xây dựng tại tiểu bang Maharashtra, hỗ trợ dòng chảy thương mại qua hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam. Tuyến đường này đi qua Iran, nơi Ấn Độ cũng đang phát triển một dự án lớn - cảng Chabahar ở Vịnh Oman. Dự án này mang đến cho Ấn Độ một chỗ đứng chiến lược trong khu vực với tuyến đường tiến thẳng tới một số thị trường đang được Trung Quốc để mắt tới trong sáng kiến Vành đai và Con đường.
Để bảo đảm nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế, Ấn Độ đang đa dạng hóa các nguồn năng lượng và tăng cường cơ sở hạ tầng lưới điện, đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo, lên khoảng 500 GW vào năm 2030. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang tập trung vào các công nghệ phát thải thấp như hydro xanh, lò phản ứng hạt nhân nhỏ, công nghệ thu giữ carbon nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được New Delhi chú trọng, coi đây là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển một số lĩnh vực chủ chốt. Theo Hiệp hội quốc gia các công ty phần mềm và dịch vụ Ấn Độ (NASSCOM), thị trường AI của nước này sẽ tăng trưởng 17-22 tỷ USD vào năm 2027, thu hút đầu tư khoảng 4 tỷ USD.
Có thể thấy, Ấn Độ đang đứng trước những cơ hội chưa từng có để phát triển nền kinh tế. Nếu duy trì được những quyết sách, nền kinh tế Nam Á này hoàn toàn có thể cất cánh ngay trong thập kỷ này, đóng góp mạnh mẽ vào kinh tế khu vực, từng bước trở thành một "đầu tàu" tăng trưởng của thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.