Mỗi Tết lại có một chuyện mà khi nhắc đến, người trong cuộc không biết phải cười hay khóc nữa. Chính vì thế mỗi lần Tết đến tôi rất ngại đi chúc Tết mà cứ đùn cho ông xã. Chẳng là tôi bị bệnh mà các thầy thuốc chẩn đoán là viêm mũi dị ứng. Nhưng Tết năm nay, tôi đã học được nhiều kinh nghiệm quý báu để giữ an toàn cho bản thân và cho cả gia chủ.
Viêm mũi dị ứng. |
Thiếu tự tin với mũi viêm khi xuân về
Mỗi khi xuân về với tiết trời ẩm ướt, se lạnh hoặc hoa xuân đua nhau khoe sắc là mũi tôi lại báo hiệu trước vài tuần bằng ngứa mũi liên tục, cứ phải lấy tay dụi dụi đến khi chóp mũi đỏ ửng mà chẳng hết ngứa, kèm theo đó là hắt hơi hàng tràng vài chục cái một lúc không thể ngừng được, rồi chảy nước mũi trong thành dòng, bao nhiêu khăn mùi soa cũng ướt hết. Mỗi lần đi chúc Tết, vừa bắt tay để chúc mừng năm mới thì cái mũi tôi lại báo hiệu sắp hắt xì rồi, lại phải rụt tay lại để quay mặt đi cho khỏi hắt hơi vào gia chủ. Những người thông cảm thì không sao chứ ai hay soi xét thì thật khó chịu với tôi. Thật bất tiện. Chính vì Tết lại sắp đến rồi, tôi lo quá, phải đi khám ngay để điều trị chứ không thế này thì gay.
Đặc điểm dễ nhận biết của viêm mũi
Niêm mạc mũi màu tím nhạt: Đến gặp bác sĩ soi mũi rồi nói, niêm mạc mũi tôi không có màu hồng như niêm mạc mũi người bình thường mà có màu tím nhạt, sũng nước. Nếu không điều trị kịp thời, có thể có những khối gọi là polyp do sự thoái hoá của niêm mạc mũi trong tình trạng bị viêm lâu ngày gây nên. Bác sĩ giải thích, hắt hơi xuất hiện khi niêm mạc mũi bị tác động bởi các yếu tố như lạnh, các chất kích thích (bụi, mùi hành cay, mùi nước hoa, phấn hoa, mùi thuốc nhuộm trong vải…). Sau khi hắt hơi, có thể người đó lại trở lại hoàn toàn bình thường, hoặc hắt hơi cứ tiếp diễn sau đó sốt, chảy mũi, ngạt mũi, ho, khàn tiếng, thậm chí mất tiếng, ho nhiều do mũi ảnh hưởng tới các bộ phận khác của đường hô hấp như thanh quản, khí quản và phổi.
Hắt hơi: ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của những người bệnh, nhất là những nghề thường xuyên phải giao tiếp. Ngày nay, do sự biến đổi nhiều mặt của khí hậu cũng như cuộc sống hiện đại phải làm việc trong công sở - nơi có những phòng kính kín sử dụng điều hoà đã làm tăng số lượng người bị hắt hơi lên đáng kể. Người bệnh có thể hắt hơi từng cái một hoặc hắt hơi từng tràng, vài chục cái một lúc rất khó chịu. Hắt hơi hay xuất hiện vào sáng khi vừa thức giấc hoặc đang từ ngoài bước vào phòng điều hoà. Căn cứ vào biểu hiện của hắt hơi, bác sĩ có thể phân loại một cách tương đối nguyên nhân gây hắt hơi là do viêm mũi vận mạch hoặc viêm mũi dị ứng. Hiện tượng hắt hơi thường kèm thêm dấu hiệu chảy mũi và ngạt tắc mũi, đau nhức đầu.
Bệnh viêm mũi dị ứng thường có tính chất gia đình. Cần tìm đúng nguyên nhân để cắt dấu hiệu hắt hơi.
Xuất hiện vào những mùa nhất định trong năm: Ở một số người bệnh, hắt hơi xuất hiện vào những mùa nhất định trong năm. Họ có thể phòng trước mùa bị bệnh khoảng một tháng bằng uống các thuốc kháng histamin H1(telfast, clarityne…) hoặc dùng các thuốc steroid dạng xịt tại mũi như rhinocort, budenase, nasonex….
Phấn hoa dễ gây hắt hơi, viêm mũi dị ứng. |
Kinh nghiệm ngăn ngừa viêm mũi dị ứng
Tránh những tác nhân mà khi tiếp xúc gây ngứa mũi mà mình bị. Những người hay bị hắt hơi như vậy phải biết tự bảo vệ mình bằng cách giữ ấm khi thời tiết chuyển mùa, đeo khẩu trang khi đi đường, tránh tắm và gội đầu vào buổi sáng, trước khi vào phòng điều hoà nên hít một hơi thật sâu sau đó thở ra khi bước chân vào phòng để không khí ấm hơn ngay khi hít hơi lần hai rồi quen dần với không khí đó…Nếu dấu hiệu đi cùng là ngạt mũi ngày càng tăng. Dịch mũi chảy ra màu vàng xanh, phải điều trị kết hợp với kháng sinh, chống viêm sớm vì lúc này có thể bệnh đã chuyển sang giai đoạn của viêm xoang. Việc điều trị không kịp thời sẽ gây ra những biến chứng như viêm họng, viêm thanh khí, phế quản làm cho thời gian uống thuốc kéo dài và người bệnh sẽ lâu phục hồi. Trường hợp cần thiết chỉ định phẫu thuật nội soi cũng được đặt ra để giải quyết tình trạng polyp mũi…
Điều trị viêm mũi dị ứng hay viêm mũi vận mạch cần giải thích rõ ràng với người bị bệnh vì phải có sự phối hợp chặt chẽ của bệnh nhân và thầy thuốc do quá trình điều trị thường kéo dài 3 - 6 tháng. Điểm lưu ý khi điều trị những bệnh nhân này là các thuốc kháng histamin rất dễ gây quen thuốc do đó việc điều trị duy trì dưới sự theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc rất quan trọng đối với người bệnh.
Những chức năng đặc biệt của mũi Chức năng nghe, bạn có tin không? Ðiều này thể hiện rõ nhất mỗi lần mũi bị viêm. Lúc này bên cạnh hắt hơi và chảy nước mũi bạn sẽ cảm nhận thấy chức năng nghe giảm hẳn, thậm chí có thể kèm thêm ù tai vì thực ra mũi và họng mũi đảm nhận chức năng thông khí cho tai giữa. Nếu dịch mũi cản trở đường thông từ mũi sang tai, áp lực trong tai giữa giảm dần về âm, dịch tiết từ niêm mạc tai giữa tăng tiết đồng thời hút màng nhĩ dính dần vào phía trong làm sức nghe giảm dần. Chức năng xúc giác: Ở vùng Carribe, người ta thường cọ mũi vào nhau để nhận biết người bạn đời của mình. Chức năng này có được là nhờ những đầu mút dây thần kinh trên vùng da của mũi - giống như các đầu mút thần kinh làm nhiệm vụ xúc giác trên da tay. Nhận diện týp người: Nhìn vào màu sắc của chóp mũi người ta biết được đó có phải là týp người nào. Người có chóp mũi đỏ thường hay nóng tính và ngược lại, da vùng chóp mũi tái nhợt biểu hiện cho những người có hệ thần kinh thép. Nhận diện cảm xúc: Khi quan sát cử động của cánh mũi, người đối diện cũng biết được người nói chuyện đang buồn hay vui. Nếu cánh mũi cứ nở ra, phập phồng khi nói - họ đang có chuyện rất vui đó, còn khi cánh mũi bị hút vào trong, thở ngập ngừng - lúc này bạn đừng hỏi nhiều quá mà họ sẽ khóc ngay đó. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.