Xã hội

Kinh nghiệm chi trả an sinh xã hội từ những điển hình

Mai Hoa 30/01/2024 07:13

Những ngày qua, các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ công dân mở tài khoản phục vụ chi trả ưu đãi an sinh xã hội không dùng tiền mặt, kịp thời chăm lo Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cho người dân.

Trong số các đơn vị sớm hoàn thành việc chi trả an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách, Hà Đông và Long Biên là các đơn vị tiêu biểu, với nhiều bài học kinh nghiệm quý.

an-sinh.jpg
Đại diện cơ quan chức năng hỗ trợ người dân mở tài khoản chi trả ưu đãi an sinh xã hội không dùng tiền mặt tại quận Long Biên.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân đặc biệt đánh giá cao kết quả thực hiện mở tài khoản chi trả ưu đãi an sinh xã hội không dùng tiền mặt của quận Long Biên. Đây là một trong những đơn vị về đích sớm nhất, khi 100% người dân đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội hằng tháng đăng ký nhận chi trả qua tài khoản không dùng tiền mặt. Long Biên đã chuyển kinh phí trợ cấp tháng 1, tháng 2-2024 và quà Tết cho đối tượng bảo trợ xã hội qua tài khoản.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Long Biên Trần Thị Hoài Hương chia sẻ: “Trong quá trình triển khai, chúng tôi luôn có sự điều chỉnh linh hoạt theo thực tế với các giải pháp càng chi tiết càng tốt, đơn cử như chủ động tự soạn mẫu phiếu rà soát ngay từ cuối năm 2023. Các đối tượng chính sách được chia thành 4 nhóm, có giải pháp riêng cho từng nhóm. Quận bố trí 44 điểm mở tài khoản tập trung, có tiến độ cụ thể, phân công cán bộ theo dõi".

Cùng với đó, lãnh đạo quận thành lập các tổ với nhân lực là cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Tư pháp, phường, tổ dân phố… Các thành viên Tổ Đề án 06, các hội đoàn thể, đội công tác xã hội tình nguyện đến tận nhà đối tượng tuyên truyền, và trực tiếp hỗ trợ người dân làm ủy quyền đối với các trường hợp ốm đau không đi lại được phải ủy quyền, hoặc các trường hợp không nhận thức được, trẻ em có người giám hộ, nhận hộ nhận thay...

Cùng với quận Long Biên, một điểm sáng khác trong công tác chi trả ưu đãi an sinh xã hội không dùng tiền mặt là quận Hà Đông. Trên địa bàn Hà Đông có 3.200 người có công và thân nhân người có công hưởng trợ cấp hằng tháng, trên 13.000 người có công, người hoạt động kháng chiến hưởng trợ cấp một lần, gần 1.800 trường hợp thờ cúng liệt sĩ, 4.600 người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng và 84 hộ cận nghèo. Đến ngày 18-1-2024, quận đã hoàn thành chuyển quà tới các đối tượng, sớm hơn so với lịch của thành phố.

Chia sẻ kinh nghiệm, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hà Đông Đỗ Minh Loan cho biết: “Để làm tốt công tác an sinh xã hội, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phải là cơ quan nòng cốt, chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch tổng thể, là trung tâm kết nối, điều phối các nguồn lực và phân công thực hiện nhiệm vụ với tất cả trách nhiệm, tâm huyết, coi người dân như người thân của mình. Có như vậy mới huy động tối đa các nguồn lực xã hội, chăm lo an sinh cho các đối tượng được nhiều hơn, không để quên và để sót, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, tính đến ngày 18-1-2024, toàn thành phố có 293.256 người đang hưởng chế độ ưu đãi, trợ cấp hằng tháng; trong đó có 80.005 người có công và thân nhân người có công; 204.723 người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội và 8.528 đối tượng khác. Qua đợt cao điểm tuyên truyền, vận động, 256.429 người đã có tài khoản ngân hàng, đạt tỷ lệ 87,44% số người hưởng ưu đãi người có công và thân nhân người có công, trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng.

Thăm hỏi, quan tâm, chăm lo đến đời sống của các đối tượng người có công, gia đình liệt sĩ, người khuyết tật, trẻ mồ côi, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, người lang thang cơ nhỡ..., bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết là truyền thống của nhân dân ta mỗi dịp Tết đến, xuân về. Chính vì vậy, các đơn vị đã và đang gấp rút phát huy các bài học kinh nghiệm từ các đơn vị sớm hoàn thành các chỉ tiêu, tăng cường đối khớp dữ liệu thông tin, hoàn thành tốt nhiệm vụ chi trả ưu đãi an sinh xã hội không dùng tiền mặt, kịp thời chăm lo Tết cho người dân trước dịp Tết Giáp Thìn.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, các địa phương trên cũng đề xuất, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chi trả ưu đãi an sinh xã hội tới các đối tượng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, giảm áp lực công việc cho cán bộ ngành. Đồng thời, có giải pháp trong rà soát, bổ sung điều kiện hạ tầng, trang thiết bị, mở rộng đầu tư hệ thống ATM đáp ứng yêu cầu rút tiền thuận lợi cho người dân; tiến tới thực hiện đồng bộ phần mềm quản lý, thống nhất các biểu bảng mẫu...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm chi trả an sinh xã hội từ những điển hình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.