Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh hoàng nạn thực phẩm bẩn ở Trung Quốc

Tuấn Minh| 11/05/2012 06:42

(HNM) - Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) một lần nữa trở thành chủ đề nóng với người tiêu dùng Trung Quốc khi hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra cũng như các vụ sản xuất thực phẩm bẩn bị phát hiện tại nước này trong thời gian qua.

Với hoạt động ngày càng tinh vi, những kẻ hám lời đã coi thường sức khỏe, tính mạng của con người để sản xuất và tiêu thụ thực phẩm bẩn với quy mô lớn.

Cơ quan chức năng kiểm tra một cửa hàng thực phẩm.

Vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra ngày 4-5 tại huyện Tịnh Ninh, tỉnh Cam Túc khiến 56 người phải nhập viện là ví dụ mới nhất về tình trạng mất ATVSTP ở Trung Quốc. Vụ việc xảy ra tại một khách sạn địa phương, khi số bệnh nhân trên tham dự tiệc cưới bị đau bụng và tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm. Dư luận Trung Quốc cũng chưa thực sự hết bàng hoàng khi cảnh sát tỉnh Chiết Giang ngày 5-5 phá vỡ một đường dây chuyên sản xuất và bán dầu ăn bẩn ở huyện Võ Thành, TP Kim Hoa, do Lý Vệ Kiên và vợ là Từ Tiểu Thanh cầm đầu. Băng nhóm này gồm 20 đối tượng đã dùng mỡ động vật bẩn và rác nhà bếp để sản xuất dầu ăn bán cho các nhà máy sản xuất thực phẩm cũng như cửa hàng bán lẻ ở Thượng Hải, Trùng Khánh, Giang Tô từ năm 2005 đến nay. Điều tra ban đầu cho thấy, trong năm 2011 chúng đã kiếm lời khoảng 1,6 triệu USD nhờ kinh doanh dầu bẩn. Điều đáng nói, loại dầu này có thể chứa rất nhiều chất gây ung thư.

Tòa án Tối cao TP Thượng Hải cũng vừa đưa ra xét xử công khai 8 vụ vi phạm về ATVSTP và thuốc, bao gồm các tội danh như: bán thuốc giả, hàng hóa giả, kinh doanh bất hợp pháp, giả thương hiệu, bán hàng nhái... Có tổng cộng 18 bị cáo lãnh án tù từ 6 tháng đến 6 năm rưỡi, đồng thời nộp phạt từ 1.000 đến 800.000 nhân dân tệ. Cho rằng internet đã tiếp tay cho các tội phạm này bởi một nửa trong số 8 vụ bị phát hiện thực hiện hành vi gian lận qua các kênh bán hàng trực tuyến, Phó Chánh án Tòa án Tối cao TP Thượng Hải Ding Shouxing khẳng định, những vụ bê bối trong kinh doanh thực phẩm bẩn phản ánh tình trạng xuống cấp về đạo đức, thiếu nhận thức về pháp luật của bọn tội phạm. Không những thế, hàng loạt vụ vi phạm ATVSTP gần đây còn cho thấy nhiều lỗ hổng trong khâu giám sát cũng như sự quản lý yếu kém của chính quyền.

Trước tình trạng mất ATVSTP xảy ra liên tiếp trong tháng 4 vừa qua ở hầu khắp các trường học, mới đây Cục Giám sát, kiểm định và kiểm dịch chất lượng Trung Quốc (SFDA) và Bộ Giáo dục Trung Quốc phối hợp phát động đợt thanh tra ATVSTP trên quy mô toàn quốc. Kết quả cuộc điều tra khiến dư luận không khỏi giật mình khi có tới 600 căng tin trường học bị xử phạt hành chính và hơn 20.000 căng tin bị cảnh cáo về mất ATVSTP. Dự kiến trong tháng 5 và tháng 6 tới, hai cơ quan này sẽ tiến hành các đợt thanh tra mới nhằm tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong những tháng thời tiết nóng nực, đồng thời kiểm tra việc thực thi các nghị định của chính phủ về bảo đảm ATVSTP.

Để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng trước tình trạng mất ATVSTP, Chính phủ Trung Quốc đã có những bước đi cụ thể khi thiết lập các trung tâm kiểm soát ATVSTP tại 31 tỉnh, thành, 218 quận, huyện và 312 xã, phường trên quy mô toàn quốc. Theo đó khoảng hơn 100 loại sản phẩm nông nghiệp được kiểm tra với 165 điều khoản quy định về ATVSTP. Trong khi chính phủ chỉ đạo thiết lập một cơ chế kiểm tra ATVSTP dài hạn khi quyết liệt trừng phạt thật nghiêm những kẻ có tội, SFDA cũng đang chỉnh sửa quy chế sử dụng phụ gia, yêu cầu chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra việc sử dụng chất phụ gia, kể cả thuốc kháng sinh. Tuy nhiên có một thực tế là có quá nhiều cơ quan chịu trách nhiệm đã tạo nên sự chồng chéo trong quản lý, khiến công tác kiểm tra ATVSTP ở Trung Quốc không đạt hiệu quả.

Hàng chục nhà buôn rau ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) vừa bị lực lượng chức năng bắt quả tang bán bắp cải xịt formaldehyde để giữ rau tươi lâu. Tân Hoa xã cho biết, việc xịt formaldehyde lên bắp cải đã trở nên phổ biến trong 3 năm qua, đặc biệt vào những tháng thời tiết nóng khi rau bị hỏng nhanh trong quá trình vận chuyển. Formaldehyde là loại chất khử trùng được sử dụng để ướp xác, gây kích ứng da, gây bệnh ung thư, máu trắng và có thể làm chết người nếu dùng với liều lượng lớn.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh hoàng nạn thực phẩm bẩn ở Trung Quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.