Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kim ngạch xuất khẩu tăng cao: Chưa hết âu lo

Hồng Sơn| 09/10/2012 07:37

(HNM) - Trong bối cảnh hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch về kinh tế vĩ mô, như tốc độ tăng trưởng GDP, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài, tốc độ tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp… đều không đạt mục tiêu đề ra thì hoạt động xuất khẩu được đánh giá là lĩnh vực duy nhất

Những kết quả đáng ghi nhận

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hoạt động xuất khẩu đã đạt được kết quả vượt trội so với cùng kỳ của các năm trước. Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) đạt mức cao, với 83,8 tỷ USD, trong đó KNXK bình quân đạt hơn 9,3 tỷ USD/ tháng, tạo điều kiện bảo đảm lành mạnh hóa cán cân thanh toán quốc gia, góp phần cân đối quan hệ cung - cầu ngoại tệ một cách chủ động, tích cực... Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng qua đạt mức 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái và gấp hơn 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP.

Sản xuất linh kiện ô tô tại Công ty DENSO Việt Nam. Ảnh: Yến Ngọc


Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất so với bất kỳ lĩnh vực - hoạt động nào của nền kinh tế. Xuất khẩu tăng cao, một lượng lớn sản phẩm/hàng hóa do doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất được giải tỏa một cách kịp thời, trực tiếp làm giảm lượng hàng tồn kho, đọng vốn cho các đơn vị sản xuất. Một tín hiệu đáng ghi nhận là nhiều loại sản phẩm công nghiệp có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao, như điện thoại; máy vi tính, sản phẩm điện tử, dây cáp điện... ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng KNXK. Các nhóm hàng này đều có mặt trong danh sách các mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Nhóm hàng nông sản, thủy sản tiếp tục khẳng định tầm quan trọng trong xuất khẩu bởi nhiều đối tác vẫn duy trì việc ký hợp đồng "ăn hàng" Việt Nam, với một số mặt hàng truyền thống và có thế mạnh, gồm gạo, cà phê, cá tra, tôm... Trên thực tế, KNXK nông sản, thủy sản chiếm gần 25% tổng KNXK. Việc giữ được phong độ ổn định trong xuất khẩu nông sản, thủy sản tác động mạnh mẽ và có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống của nông dân, tạo ra thu nhập thường xuyên và bảo đảm an sinh xã hội ở khu vực nông nghiệp - nông thôn.

Do sự đình trệ, co hẹp về sản xuất nên nhu cầu sử dụng nguyên liệu, vật tư tại nhiều DN giảm đáng kể dẫn đến tình trạng nhập khẩu thấp hơn xuất khẩu - tạo ra sự xuất siêu của nền kinh tế. Tính chung, sau 9 tháng cả nước đã xuất siêu 34 triệu USD. Mặc dù mức xuất siêu này là không đáng kể vì rất nhỏ, nhưng phần nào cho thấy sự chuyển đổi vị trí (từ chủ yếu và liên tục nhập siêu sang xuất siêu) trong giao thương quốc tế của nền kinh tế Việt Nam. Từ những diễn biến thực tế trên, Bộ Công thương dự báo, năm nay tổng KNXK cả nước sẽ đạt 113 tỷ USD, vượt khoảng 3 tỷ USD so với kế hoạch đề ra.

Nhận diện hạn chế để sớm khắc phục

Trong tổng KNXK, khối DN đầu tư nước ngoài vẫn đóng vai trò áp đảo và đã xuất siêu gần 2,28 tỷ USD. Ngược lại, các DN trong nước vừa có KNXK thấp hơn, vừa rơi vào tình trạng nhập siêu. Vấn đề này đã diễn ra từ lâu, đã được cảnh báo, nhưng đến nay vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể nào, một lần nữa cho thấy vị thế yếu kém của khối DN trong nước. Thêm vào đó, KNXK của những mặt hàng là nguyên liệu thô vẫn chiếm gần 10% của tổng KNXK. Điều này cho thấy khả năng chế biến, gia công để đạt thêm giá trị gia tăng của cộng đồng DN nội địa còn hạn chế, chưa tận dụng được cơ hội để gia tăng giá trị xuất khẩu.

Theo nhiều chuyên gia, DN Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì "thói quen" nhập khẩu thiết bị và vật tư từ khu vực Châu Á, do vậy đã bỏ lỡ cơ hội nhập khẩu từ những thị trường khác, dẫn đến sự mất cân đối về cơ cấu, phân bố thị trường. Mặt khác, cần nhận thức rằng, việc tập trung nhập khẩu một số máy móc từ một thị trường thường dễ dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào diễn biến cụ thể ở đó, trong khi phần lớn các nước Châu Á không có trình độ công nghệ đỉnh cao. Thay vào đó, đáng lẽ DN ta cần khai thác khả năng nhập khẩu từ các quốc gia công nghiệp phát triển ở khu vực EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… để tăng cường cơ hội ứng dụng, tiếp nhận và từng bước làm chủ công nghệ tiên tiến.

Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh thâm nhập vào một số thị trường tiềm năng như Nam Mỹ, Trung Đông, Châu Phi… tuy đã được xới lên, kêu gọi sự vào cuộc của DN, nhưng đến nay chưa có nhiều chuyển biến. Hiện tại, phần lớn DN của ta vẫn chưa xử lý được những rào cản có tính chất đặc trưng, như khoảng cách về địa lý, thiếu sự hỗ trợ của các ngân hàng và khó khăn về thanh toán hoặc việc thiếu thông tin về thị hiếu tiêu dùng - thị trường, thiếu đối tác bản địa, sự thiếu gắn kết kịp thời giữa cơ quan thương vụ và DN… Nếu khắc phục được những yếu tố trên, DN Việt sẽ có thêm cơ hội để gia tăng KNXK, có thể bù đắp khi các thị trường truyền thống bị giảm sút kết hợp với mục tiêu quảng bá thương hiệu và hàng hóa trên phạm vi rộng hơn…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kim ngạch xuất khẩu tăng cao: Chưa hết âu lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.