Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kim chỉ nam cho hoạt động của giới kiến trúc sư

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng| 24/02/2023 06:27

(HNM) - Kiến trúc là một ngành nghệ thuật đặc thù kết hợp giữa sáng tạo và khoa học, kỹ thuật để tạo dựng không gian sống an toàn, bền vững, văn hóa, nhân văn cho con người, cộng đồng. Những nguyên tắc cơ bản, có tính then chốt là “Dân tộc hóa - Đại chúng hóa - Khoa học hóa” được đề ra trong bản Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời cách đây 80 năm vẫn như kim chỉ nam cho hoạt động sáng tạo của giới kiến trúc sư và để kiến trúc phát triển bền vững.

Kiến trúc xanh, hiện đại tại Khu đô thị Vinhomes Riverside (quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Quang

1. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, kiến trúc Việt Nam cũng phát triển nhanh cả về lượng và chất. Từ hơn 30 kiến trúc sư tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương trước Cách mạng Tháng Tám 1945, đến nay, đội ngũ kiến trúc sư cả nước đã lên tới hơn 20.000 người, trong đó hơn 6.000 là hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Sáng tạo của giới kiến trúc sư và đóng góp to lớn của ngành Xây dựng đã góp phần làm thay đổi diện mạo kiến trúc đô thị - nông thôn nước ta theo hướng văn minh, hiện đại và có bản sắc. Hàng vạn công trình kiến trúc mới hiện đại, với nhiều loại hình khác nhau như nhà ở, chung cư cao tầng, khu đô thị mới, trung tâm thương mại, trụ sở làm việc, trường học, bệnh viện, trung tâm văn hóa, thể thao, nhà hát, công viên… được xây dựng trên khắp 890 đô thị và vùng nông thôn cả nước.

Đặc biệt, với việc ra đời Luật Kiến trúc (2019), vai trò của kiến trúc và vị thế của kiến trúc sư càng được khẳng định trong sự nghiệp xây dựng đất nước ở thời kỳ phát triển mới. Các xu hướng kiến trúc tiến bộ mà nhân loại hướng đến như kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, kiến trúc tiết kiệm năng lượng... cũng đang dần được áp dụng trong sáng tác của kiến trúc sư qua sự cổ vũ, động viên của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, được nhiều nhà đầu tư bất động sản và cộng đồng quan tâm.

2. Tuy nhiên, do phát triển nhanh về số lượng và trên diện rộng nhằm đáp ứng yêu cầu đô thị hóa và tăng trưởng nền kinh tế, kiến trúc Việt Nam đã bộc lộ nhiều yếu kém trong thiết kế và quản lý xây dựng. Trên diễn đàn Quốc hội, các phương tiện truyền thông và ngoài xã hội luôn có nhiều ý kiến đánh giá, nhận xét gay gắt trước sự lộn xộn và bất cập của quy hoạch kiến trúc đô thị, về các công trình có hình thức kiến trúc kệch cỡm, phô trương, lãng phí, phi bản sắc, ngoại lai, nhại cổ... Và làng quê Việt Nam đang bị đô thị hóa cưỡng bức, làm mất dần đi bản sắc văn hóa làng, kiến trúc làng truyền thống.

Kiến trúc hôm nay đang đứng trước sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo và sự bất ổn ngày càng tăng bởi biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu. Toàn cầu hóa, quốc tế hóa đã xóa nhòa biên giới mềm của mỗi quốc gia, làm cho tính bản địa của kiến trúc được nhận diện rõ ràng hơn, khách quan hơn, được tôn vinh và cả phê phán trước ánh sáng soi chiếu và giao thoa của văn hóa, văn minh nhân loại. Chính vì thế, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa trong kiến trúc được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

Thực tế cho thấy, chúng ta còn chưa quan tâm thiết kế nhà ở phù hợp với điều kiện sống, lối sống cho nông dân, cho người nghèo đô thị, cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng sạt lở, nước biển dâng… Chúng ta cũng đang lúng túng trước sự phát triển đến chóng mặt của các khu đô thị mới, nhưng thiếu kết nối hạ tầng giao thông, thiếu nhiều thành tố của đô thị, như không gian công cộng, không gian xanh, trường học, cơ sở y tế… Chúng ta thiếu kịch bản phát triển kiến trúc bền vững để thích ứng kịp thời và lâu dài với biến đổi khí hậu và đại dịch. Một bộ phận kiến trúc sư đã và đang có hiện tượng xa rời nguyên tắc “nghệ thuật vị nhân sinh”, chạy theo thị trường...

3. Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam là cơ hội cho chúng ta nhắc lại vị trí quan trọng của lĩnh vực văn hóa, trong đó có kiến trúc. Không phải ngẫu nhiên mà tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (ngày 24-11-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát định hướng của văn hóa mới bằng một luận điểm rất sâu sắc, là: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Còn Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thì khẳng định: “Ở đâu phát triển kinh tế mà không quan tâm đến văn hóa, thì hệ lụy sẽ khôn lường”.

Gần đây nhất, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (ngày 24-11-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu rất tâm huyết: “Chúng ta cùng nhau nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong việc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng tầm với sự nghiệp đổi mới và truyền thống lịch sử vẻ vang ngàn năm văn hiến của dân tộc”.

Mong rằng, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 đi vào đời sống, không chỉ với những người làm công tác văn hóa, văn nghệ sĩ, kiến trúc sư, mà còn được các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương tiếp nhận, chuyển hóa vào các văn bản pháp luật, để văn hóa Việt Nam cũng như kiến trúc Việt Nam ngày càng phát triển bền vững, bảo đảm các nguyên tắc: “Dân tộc - Đại chúng - Khoa học” mà Đề cương về văn hóa Việt Nam đề ra 80 năm trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kim chỉ nam cho hoạt động của giới kiến trúc sư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.