Tôi muốn mượn tên tác phẩm kinh điển của Jane Austen (“Kiêu hãnh và định kiến”) để nhấn mạnh về những chủ điểm trong cuốn sách “Tuổi ba mươi - khí chất nào cho em?” (NXB Phụ nữ) của Tùy Phong.
Bởi lẽ, tôi nhận ra ở đó cốt lõi xuyên suốt những câu chuyện, những tình huống, những cảnh ngộ là sự xung đột, do dự, dùng dằng giữa định kiến và lòng kiêu hãnh, tự chủ và tòng thuộc, khát vọng và buông xuôi, âu lo và can đảm, ý chí nghị lực và sự phó mặc... Nếu lòng kiêu hãnh thôi thúc con người dấn bước thì định kiến lại là trở lực, níu giữ, thậm chí đày đọa con người trong bi kịch. Làm sao để thoát ra khỏi vũng lầy ấy? Cuốn sách của Tùy Phong xâu chuỗi những cảnh ngộ, đề xuất một góc nhìn, một thái độ, một cách ứng xử, hướng đến tinh thần tự chủ, nơi mà đức hạnh, khí chất, lòng kiêu hãnh và khát vọng lên tiếng, cứu rỗi con người.
Ám ảnh nhất trong tôi sau khi đọc cuốn sách này là sự cay nghiệt của định kiến về giới tôn xưng vai trò thống trị của người nam suốt chiều dài lịch sử văn hóa phương Đông cho đến giờ vẫn kiềm tỏa trên đầu nhiều người phụ nữ. Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm; đàn ông cái nhà, đàn bà cái bếp; thiên tính nữ; tam tòng tứ đức; phận nữ nhi thường tình; phái yếu... chẳng phải là những định kiến hay sao? Đó là những diễn ngôn đậm màu sắc nam tính, từ định kiến này, chồi rễ của những định kiến khác mọc lên: Sinh con trai nối dõi tông đường; chấp nhận hôn nhân không hạnh phúc để con có bố; cam chịu sự cay nghiệt của mẹ chồng - dòng họ nhà chồng; lo sợ sự dèm pha của xã hội khi hôn nhân tan vỡ... Những câu chuyện, những tình huống trong cuốn sách không ít lần khiến người đọc hoang mang, lo âu, bực bội, rồi òa vỡ trong niềm cảm thông, khâm phục.
Tác giả cuốn sách đã zoom những cú máy cận cảnh nhằm soi tỏ gương mặt của định kiến. Thái độ phê phán thúc đẩy cảm hứng tẩy chay trong lòng bạn đọc. Từ cảm hứng ấy, cộng đồng có được cái nhìn thỏa đáng vào các hiện tượng đời sống, để cảm thông và nâng niu, yêu thương và chia sẻ. Những người phụ nữ trong cuốn sách của Tùy Phong, có khi là doanh nhân, nhân viên văn phòng, đồng nghiệp, người quen, hàng xóm, bạn bè, thậm chí là một vài người khác được tác giả biết đến thông qua những câu chuyện điển hình về định kiến hay niềm tự tôn kiêu hãnh của họ. Làm sao để đối diện với định kiến, hóa giải định kiến và xây dựng được cuộc sống hạnh phúc cho riêng mình? Đó là câu hỏi trọng tâm ngân vọng qua nhiều tình huống, cảnh ngộ trong cuốn sách. Tuy nhiên, mẫu số chung của những cuộc đời đã đi qua định kiến chính là biết yêu thương, tôn trọng chính mình. Khí chất của người phụ nữ hiện đại là gì, nếu không phải là sự tự tin vào giá trị, vẻ đẹp, đức hạnh của bản thân? Từ đó, họ dám đối diện với bi kịch và hóa giải bi kịch.
Không dừng lại (dẫu là đi chậm), biết buông bỏ để vượt lên (không phải là buông xuôi phó mặc), biết nhìn về phía trước bằng suy nghĩ tích cực, biết trân trọng thời gian - lẽ sống của bản thân, biết tự chủ để đạt đến tự do, biết yêu thương để không lạc lối vào định kiến..., đó là thông điệp chân thành cất lên từ những câu chuyện rất đỗi đời thường trong cuốn sách. Cảm hứng ùa đến khi cuối cùng người đọc nhận ra rằng, phụ nữ phải can đảm để đối diện, thông minh để vượt qua, để tự kiến tạo chân dung, bản sắc giới mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.