(HNM) - Chưa vào trận đã kêu kiệt sức. Đây là nghịch lý lớn nhất, chưa từng có của bóng đá nhà nghề Anh và những nhà khoa học thể thao của nước này bắt đầu tìm nguyên nhân vì sao các cầu thủ thi đấu cho bóng đá Anh thường đạt phong độ kém khi khoác áo đội tuyển quốc gia.
Sự mệt mỏi góp phần vào thất bại của đội tuyển Anh tại World Cup 2010. |
Vào thời điểm chuẩn bị cho mùa bóng mới, một chương trình du đấu khắp thế giới đã được vạch ra. Đây là một thông lệ, cũng là một hoạt động sẽ tác động tới thể lực toàn giải của các cầu thủ Anh. Lúc này các nhà khoa học bóng đá Anh mới chợt phát hiện và đưa nó ra phân tích.
Bóng đá Anh thi đấu 38 vòng. Thêm vào đó là các trận tranh Cúp quốc gia, Cup liên đoàn (chưa kể ở các cúp châu Âu...). Tổng cộng, một mùa bóng các CLB hạng nhất Anh sẽ phải thi đấu trên 50 trận, đứng đầu trong các giải bóng đá nhà nghề châu Âu.
Chưa hết, theo lịch trình, các CLB sừng sỏ của Anh trong chuyến viễn đấu trước mùa bóng sẽ phải vượt qua một quãng đường tổng cộng là 352.000km, không ngắn chút nào, cho dù di chuyển bằng máy bay.
HLV CLB Blackburn Sam Allardyce là người đầu tiên lên tiếng phản đối lịch thi đấu đặc kín của bóng đá Anh. Mỗi mùa bóng, nhìn những cầu thủ nước ngoài trở lại thi đấu cho CLB, câu đầu tiên ông nhắn nhủ họ là: "Hãy biết giữ mình, giữ gìn sức khỏe để chơi thật hay cho đến hết mùa bóng với trên 50 trận". Nhận ra một nguyên nhân nhưng Allardyce lại phạm phải một sai lầm gây kiệt sức cho các học trò khi vẫn ủng hộ CLB của ông du đấu với 8 trận và phải trải qua hơn 30.000km di chuyển.
Tương tự, Everton đang chuẩn bị cho cuộc chinh phục chiếc cúp "Lên tiếng chống phân biệt chủng tộc" diễn ra tại Brisbane (Australia).
Birmingham lại có một cuộc viễn đấu khác. CLB vốn đã bị chấn thương hành hạ suốt mùa bóng qua, trước khai mạc 22 ngày đã tới Viễn Đông với quãng đường 20.000km ngồi liên tục trên máy bay. Tại đó các cầu thủ Birmingham sẽ thi đấu 5 trận. Hành quân xa, mệt mỏi, khác múi giờ, các cầu thủ rất dễ bị chấn thương một cách bất ngờ. Nhưng đó là cách để ông chủ của Birmingham quảng bá cho một cơ sở thương mại lớn nhất nhì ở Hồng Công (Trung Quốc).
Manchester United (vừa được bầu giàu nhất thế giới với thu nhập 459 triệu USD mùa bóng qua), Manchester City, Bolton và Tottemham cũng sẽ du đấu ở Mỹ và một số quốc gia châu Á với hành trình tổng cộng khoảng trên 60.000km. Chuyến đi của các CLB này cũng trong chương trình quảng bá thương mại và thương hiệu. Nổi tiếng như Manchester United mà thương hiệu đối với họ vẫn là vấn đế sống còn! CLB này hiện có 333 triệu cổ động viên trên toàn cầu với hàng nghìn cửa hàng kinh doanh hoạt động dưới hình thức CLB của các cổ động viên.
Một chuyên gia thể thao của Anh cho biết, ngoài sứ mệnh bảo vệ màu cờ sắc áo, các CLB Anh còn có trách nhiệm quảng bá kinh doanh cho các ông chủ của họ trên khắp thế giới. Những chuyến du đấu này thực ra đã làm các cầu thủ bị mất sức, mất tập trung ngay khi mùa bóng khai mạc. Và thật khó biết điều gì sẽ xảy ra trên sân cỏ cho dù các trận đấu trước mùa bóng cũng đem lại cho các cầu thủ và CLB những khoản thu nhập không nhỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.