(HNM) - Đường phố ngập rác, vườn hoa, thảm cỏ bị san phẳng... là những hình ảnh không đẹp sau sự kiện văn hóa “Lễ hội Countdown - chào mừng năm mới 2018” vừa qua, để lại ấn tượng không tốt cho du khách về một Thủ đô ngàn năm văn hiến, tác động tiêu cực đến những nỗ lực của thành phố trong việc xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.
PGS.TS Nguyễn Thị Hương. |
Để tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề trên, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Hương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Vấn nạn của văn hóa ứng xử nơi công cộng
- Bà nhận định như thế nào về những nỗ lực của Hà Nội trong việc tổ chức không gian văn hóa, sự kiện văn hóa, giải trí trong những năm gần đây?
- Trong khoảng 10 năm qua, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã có những cố gắng đáng kể, tạo nên những thay đổi cơ bản về diện mạo của Thủ đô. Thành phố ngày càng mang tầm vóc một đô thị lớn phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, mô hình thành phố thông minh.
Tôi cho rằng, cùng với việc chú trọng hơn về xây dựng, bảo vệ và phát triển môi trường xanh, nỗ lực của thành phố trong việc tổ chức không gian văn hóa, sự kiện văn hóa, giải trí mấy năm gần đây đã thể hiện sự quyết tâm đổi mới trong cách nghĩ, cách làm cho hướng phát triển bền vững của Thủ đô. Với vị thế trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước, sự phát triển của thành phố không chỉ ghi dấu ấn ở mức độ tăng trưởng kinh tế, sự xuất hiện ngày một nhiều những khu đô thị mới bề thế, những công trình giao thông lớn, đại lộ hiện đại…, mà sâu xa hơn còn là chiều sâu văn hóa. Các không gian văn hóa, sự kiện văn hóa, giải trí được tổ chức, bản thân nó không những hàm chứa giá trị tinh thần riêng có của một Thủ đô ngàn năm văn hiến, mà chỉ đến đây người ta mới cảm nhận được, thỏa mãn các giá trị tinh thần khác.
Chỉ riêng trong tháng 11-2017, trên địa bàn Hà Nội đã có hơn 10 sự kiện văn hóa lớn, nhỏ, bao trùm nhiều lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, ca nhạc, phim ảnh, hội họa được tổ chức và cùng với đó là không gian phố đi bộ, phố sách… được duy trì thường xuyên. Những sự kiện này nhằm bồi đắp văn hóa, tạo thêm không gian sinh hoạt cộng đồng lành mạnh, bổ ích, góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Thủ đô.
- Việc tổ chức các không gian văn hóa, sự kiện văn hóa, giải trí ở Hà Nội đã tạo ra những dấu ấn quan trọng. Song, đi kèm với nó là những hiện tượng tiêu cực đến từ ý thức của người dân khi tham gia các hoạt động này, mà lễ hội đếm ngược chào đón năm mới 2018 vừa qua là một ví dụ. Chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào, thưa bà?
- Trước hết chúng ta phải thấy rằng, biểu hiện tiêu cực trong ý thức của không ít người khi tham gia các hoạt động văn hóa, sự kiện giải trí, như: Xả rác bừa bãi, giẫm đạp lên bãi cỏ, vườn hoa, đu bám cây xanh, nói tục, chửi bậy, chen lấn, xô đẩy… là hiện tượng khá phổ biến, không chỉ xảy ra ở Hà Nội. Đây đã là “chuyện thường ngày ở huyện”, thậm chí bị coi là vấn nạn của văn hóa ứng xử nơi công cộng.
Thói quen xả rác bừa bãi của người Việt là biểu hiện của một trong những tập quán sinh hoạt tùy tiện, thoải mái, tự do… bắt nguồn từ tác phong của nền sản xuất tiểu nông hay văn minh làng, xã. Thói quen này đã ăn sâu, bắt rễ, hình thành nên tác phong của nhiều người, để thay đổi được là một việc không đơn giản, nó cần một quá trình.
Có ý kiến cho rằng, hiện tượng nêu trên là do vấn đề giáo dục ý thức và văn hóa ứng xử nơi công cộng chưa được thực hiện triệt để. Chúng ta đã vận động người dân giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, xây dựng nếp sống văn hóa từ rất lâu, nhưng có lẽ quá trình triển khai chưa thể hiện rõ sự gắt gao, cấp bách của vấn đề, nên tính hiệu quả chưa như mong đợi.
Theo tôi, những hiện tượng tiêu cực trong văn hóa ứng xử nơi công cộng hiện nay là do ý thức cộng đồng chưa cao. Thường thì người ta ít có sự nhắc nhở hay phản ứng trước những hành vi phản cảm, thiếu văn hóa của người khác ở nơi công cộng. Ở đây, không lên tiếng trước cái xấu cũng giống như thừa nhận nó.
- Theo bà, ngoài ý thức của người dân tham gia sự kiện, còn có nguyên nhân nào khác?
- Theo tôi, những hiện tượng tiêu cực kể trên còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác. Nhìn từ phương diện quản lý và tổ chức sự kiện, chúng ta sẽ thấy nhà quản lý khi cấp phép, chủ yếu mới chỉ yêu cầu bên tổ chức sự kiện cam kết thực hiện đúng về nội dung, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, mà thường bỏ qua một số ràng buộc cần thiết khác, như: Giữ gìn môi trường, bảo vệ cảnh quan văn hóa công cộng… Cũng cần phải xem xét đến việc thiếu cân nhắc khi cho phép tổ chức dày đặc sự kiện trong một không gian hẹp, cùng một thời điểm, khiến không gian chung bị tận dụng, khai thác triệt để. Điều này vô tình tạo nên sức ép không đáng có với ngay cả địa bàn tổ chức sự kiện, mà không gian hồ Hoàn Kiếm trong sự kiện đón chào năm mới 2018 vừa qua là ví dụ điển hình.
Không phải là tất cả, nhưng rõ ràng, có những nhà tổ chức sự kiện chỉ chú trọng đến lợi ích của mình, chưa quan tâm nhiều đến những giá trị văn hóa của cộng đồng, cũng như chưa có tính toán, lên phương án cụ thể cho các vấn đề có thể nảy sinh trong sự kiện. Ở đây tôi muốn nói đến hệ thống thùng rác, nhà vệ sinh, những hỗ trợ về y tế khi cần thiết..., liệu đã được dự liệu đủ cho một sự kiện kéo dài nhiều giờ, thu hút hàng vạn người như vậy? Hậu quả chúng ta đã chứng kiến, đó là: Nhiều du khách tham gia sự kiện bất chấp biển cấm, trèo lên Tháp Bút trước di tích đền Ngọc Sơn, đu bám cây xanh, ban công để chụp ảnh, xem ca nhạc... Do lượng người đổ về nơi tổ chức các sự kiện quá đông, dẫn đến nhiều người già, trẻ nhỏ, thậm chí cả thanh niên bị ngất, lực lượng phòng cháy, chữa cháy phải sử dụng xe chuyên dụng để “giải cứu”. Sau lễ hội vườn hoa bị san phẳng... và nhiều tuyến phố ngập rác thải.
Cần hệ thống giải pháp đồng bộ trước mắt và lâu dài
- Trong năm 2017, Hà Nội đã triển khai hệ thống Quy tắc ứng xử nơi công cộng; Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội và thực thi Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, vậy tại sao hiện tượng này vẫn chưa thể đẩy lùi, thưa bà?
- Trên thế giới, việc xây dựng và thực hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã được thực hiện từ lâu. Nói vậy để thấy, đối với nước ta động thái này có thể coi là chậm. Thêm vào đó, từ quy tắc đến hình thành nên thói quen, văn hóa ứng xử, văn minh đô thị là cả một khoảng cách, cần có quá trình đủ dài - để thẩm thấu, trong khi đó, chúng ta mới triển khai quy tắc vừa tròn một năm.
Một điều cũng cần nói, đó là trong nội dung Quy tắc ứng xử vừa được triển khai còn thiếu vắng chế tài xử phạt dành cho những hành vi phản văn hóa nơi công cộng, điều vốn được áp dụng rất nghiêm khắc tại nhiều nước trên thế giới. Có thể kể qua một số nước như: Singapore phạt hành vi xả rác bừa bãi tới 2.000 SGD (32 triệu đồng); Nhật Bản quy định phạt từ buộc lao động công ích đến tù giam cho hành vi này; Mỹ, Anh, Bỉ phạt tương đương 14 triệu đồng cho hành vi tiểu bậy... Ở nước ta, Quy tắc ứng xử không đi kèm với điều khoản xử phạt, khiến không ít người dân chưa thực sự coi trọng việc chấp hành quy tắc. Mặt khác, việc thực thi Nghị định 155/2016/NĐ-CP còn chưa nghiêm; lực lượng tham gia công tác này còn mỏng...
Cốt lõi của triển khai Quy tắc ứng xử chính là phải đẩy mạnh tuyên truyền thường xuyên, song công tác này hiện nay đôi lúc, đôi chỗ còn hời hợt và mang tính hình thức.
- Như vậy tức là nếu chỉ trông chờ vào tuyên truyền và thực hành Quy tắc ứng xử chưa đủ?
- Đương nhiên, để giải quyết một vấn đề khá phức tạp như thế này cần phải có hệ thống giải pháp đồng bộ trước mắt và lâu dài. Trước mắt, các cấp, ban, ngành liên quan cần nhanh chóng rút kinh nghiệm từ các khâu quy hoạch địa điểm, cấp phép, tổ chức sự kiện..., nhằm xóa bỏ tình trạng quá tải ở các điểm trung tâm cũng như đẩy lùi những hiện tượng không đẹp mắt như vừa qua, nhất là khi mùa lễ hội đầu năm 2018 đang đến gần. Việc khai thác các sự kiện du lịch cần đi đôi với quản lý và bảo tồn các giá trị văn hóa, giá trị du lịch, để du lịch Hà Nội phát triển bền vững, mang lại lợi thế cạnh tranh.
Cùng với đó, tăng cường ràng buộc trách nhiệm giữa các cấp, ngành trong phối hợp thực thi và kiểm tra, giám sát; triển khai các chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm cũng như có biện pháp khen thưởng, vinh danh những cá nhân, tổ chức có thành tích trong công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp, nhằm xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật.
Về lâu dài, để nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của người dân trong xây dựng, bồi đắp văn hóa ứng xử nơi công cộng, mà cụ thể là thực thi hệ thống Quy tắc ứng xử, cần có thêm hình thức tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, hiệu quả từ phía gia đình, nhà trường, xã hội. Hy vọng, với những biện pháp đồng bộ đó, ý thức chấp hành pháp luật và bảo vệ môi trường của người dân sẽ được nâng cao, những hiện tượng tiêu cực như vừa qua sẽ được hạn chế và không còn tồn tại.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.