Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên trì mục tiêu "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh"

Nguyệt Ánh| 17/04/2016 06:22

(HNM) - Năm 2016 là năm thứ ba liên tiếp Hà Nội lựa chọn chủ đề



Về vấn đề này, tại hội nghị giao ban quý I-2016 của Thành ủy Hà Nội tổ chức sáng 6-4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: "Xây dựng văn minh đô thị phải trở thành nếp sống, nếp nghĩ trong nhận thức từ cán bộ các cấp đến mỗi người dân". Đây cũng là chủ đề cuộc trao đổi của Báo Hànộimới với Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long về kết quả đạt được trong thời gian qua cũng như những mục tiêu cụ thể, nét mới về cách làm trong thời gian tới tại địa bàn được coi là trung tâm, "vùng lõi" của Thủ đô Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long.


Đặc thù của địa bàn trung tâm Thủ đô

- Thưa ông, đâu là nét đặc thù khi xây dựng trật tự, văn minh đô thị trên địa bàn quận Hoàn Kiếm?

- Trước hết, mật độ dân cư trên địa bàn quận Hoàn Kiếm là rất cao, với diện tích tự nhiên là 5,28km2, gồm 18 phường, dân số gần 20 vạn người. Ở vị trí trung tâm của Thủ đô, Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính - chính trị, trung tâm văn hóa và trung tâm dịch vụ, thương mại, du lịch. Trên địa bàn có nhiều tuyến phố chuyên doanh và chợ đầu mối lớn, đồng thời là nơi tập trung nhiều ngành dịch vụ có kỹ thuật và chất lượng cao. Hoàn Kiếm gắn liền với lịch sử, truyền thống văn hóa Thăng Long - Hà Nội với khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận, khu vực ngoài đê Sông Hồng, có 190 di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng - kháng chiến, di tích văn hóa nghệ thuật và các di tích khác…

- Điều đó là thuận lợi hay khó khăn trong xây dựng trật tự văn minh đô thị?

- Chúng tôi luôn tự hào và có thể nói rằng, hồn cốt của văn hóa 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được tụ hội ở Hoàn Kiếm - quận trung tâm của Thủ đô. Tuy nhiên, thực tế đặt ra những vấn đề phải giải quyết hết sức phức tạp. Lấy ví dụ, trên địa bàn quận có 166 phố đan xen nhau theo dạng ô bàn cờ, trong đó 66 phố có mặt cắt ngang hè lớn hơn 3,5m; 100 phố có mặt cắt ngang hè nhỏ hơn 3,5m. Tổng diện tích điểm đỗ hiện nay trên địa bàn quận (cả trong các tòa nhà và ngoài hè, đường phố) là 140.018,4m2, mới đáp ứng được khoảng 14% nhu cầu thực tế. Ấy là chưa nói những ngày lễ, ngày Tết thì nhu cầu gửi phương tiện trên địa bàn cao gấp 5, gấp 6 lần bình thường khi bà con các nơi tập trung về địa bàn quận. Do đó, nhiệm vụ bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường ở Hoàn Kiếm là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và khó khăn, phức tạp.

- Hướng tới xây dựng Hà Nội văn minh, hiện đại, tuy nhiên lại phải xây dựng, gìn giữ những giá trị văn hóa để Hoàn Kiếm trở thành quận tiêu biểu của văn hóa Thủ đô, ông thấy hai mục tiêu đó có ăn khớp, tác động qua lại lẫn nhau? Ví dụ người kinh doanh ở phố cổ khi tiếp xúc với du khách nước ngoài, nếu không ứng xử văn minh sẽ không còn là vấn đề của Hoàn Kiếm, vấn đề của Thủ đô, mà trở thành vấn đề của đất nước, trong khi đó, như năm 2015, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận đạt 4.236 tỷ đồng, bằng 123% kế hoạch.

- Nếu hiểu từ “hiện đại” theo nghĩa đen là có nhiều công trình quy mô đồ sộ, thì Hoàn Kiếm không thể triển khai theo hướng đó, mà phải đi vào phát triển chiều sâu, độ bền vững, tinh túy, chắt lọc những giá trị để thực hiện đúng vai trò, sứ mệnh mà lịch sử giao là gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Vì vậy, ở Hoàn Kiếm việc xây dựng các yếu tố như nếp sống văn minh, bảo tồn văn hóa, giữ gìn môi trường, cảnh quan đô thị… phải được tiến hành đồng thời. Những năm gần đây phát triển kinh tế quận đã chuyển hướng cơ bản sang thương mại, du lịch, dịch vụ, cùng việc bảo tồn và phát huy lễ hội trong khu phố cổ Hà Nội, khu vực Hồ Gươm và phụ cận. Do đó văn minh đô thị phải là sự trật tự, ngăn nắp, có nền nếp, rồi phong cách kinh doanh, thái độ ứng xử của người dân… Tóm lại là phải có cách làm riêng, phù hợp với tiến trình phát triển và thực tế địa bàn.

Cần thực hiện bền bỉ, có giải pháp phù hợp

- Thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã thực hiện xây dựng trật tự văn minh đô thị cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Tôi lấy ví dụ, cũng là thực hiện chủ đề “Năm trật tự và văn minh đô thị” của thành phố, năm 2014 quận Hoàn Kiếm tập trung xây dựng các tuyến phố “Văn minh thương mại” nhằm làm cho từng con phố có cảnh quan sạch hơn, đẹp hơn, ngăn nắp hơn, bảo đảm vỉa hè cho người đi bộ, phương tiện giao thông để đúng nơi quy định… Năm 2016, tiếp tục thực hiện chủ đề này của thành phố, UBND quận đã ban hành Kế hoạch 03/KH-UBND ngày 6-1-2016, trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu là: thực hiện tốt công tác quản lý trật tự đô thị, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường để quận Hoàn Kiếm “sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh”; thực hiện tốt trật tự an toàn giao thông, bảo đảm đường thông, hè thoáng; xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Chúng tôi đã giao cho cảnh sát khu vực của 18 phường phối hợp với cán bộ cơ sở tổ chức ký cam kết đến 100% các hộ kinh doanh buôn bán để họ tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự đô thị; lãnh đạo UBND, công an các phường trực tiếp mời lên ký cam kết đối với 184 trường hợp chây ỳ thường xuyên vi phạm trật tự đô thị; hằng ngày hệ thống loa truyền thanh các phường thực hiện thông báo nhắc nhở những hộ kinh doanh còn vi phạm, bị xử lý... Cùng với đó, 16 phường trên địa bàn đã tổ chức kẻ vẽ vạch sơn trên hè 59 tuyến phố có đủ điều kiện và tổ chức hướng dẫn nhân dân sắp xếp xe trên hè bảo đảm đúng quy định (hai phường Chương Dương, Phúc Tân không có hè đủ điều kiện để phương tiện)...

- Việc thay đổi ý thức, nếp sinh hoạt tùy tiện của người dân không phải là công việc “một sớm, một chiều”, đặc biệt với các hộ kinh doanh buôn bán bởi đó còn là chuyện mưu sinh hằng ngày của họ. Ông có cho là như vậy? Và nếu việc kiểm tra, đôn đốc không được duy trì thường xuyên thì mọi chuyện lại đâu vào đó, rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”?

- Tôi cho rằng, thực hiện công việc này cần kiên trì bền bỉ và quan trọng là người dân phải thay đổi tư duy, nhận thức. Để có được điều đó, thậm chí không phải chỉ làm quyết liệt trong 2 hoặc 3 năm mà phải là một thời gian dài. Chúng tôi đã tiếp tục rà soát và tập trung kiểm tra xử lý 226 điểm phức tạp về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận, từ đó lập bản đồ các điểm, tụ điểm phức tạp để quản lý. Kết quả đến nay có 91 điểm đã được xóa; 5 điểm giảm 70%; 75 điểm giảm 50%; 10 điểm giảm 30%; 45 điểm tồn tại chưa được giải quyết dứt điểm cần tập trung giải quyết trong thời gian tới. Đặc biệt trong tháng 3 vừa qua, toàn quận đã kiểm tra, xử lý 1.127 trường hợp vi phạm, phạt hành chính 824.200.000 đồng, trong đó có 469 trường hợp vi phạm trật tự đô thị (phạt mức cao từ 2,5 triệu đồng trở lên là 148 trường hợp), 60 trường hợp vi phạm vệ sinh môi trường, xử lý 24 trường hợp trông giữ xe trái phép, phối hợp với Sở GT-VT kiểm tra thu hồi 7 điểm trông giữ phương tiện...

- Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm còn có nhiều bệnh viện lớn “trú chân”, đây là những khu vực rất phức tạp, thường xuyên xảy ra lộn xộn, việc duy trì trật tự được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Để bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông tại khu vực các bệnh viện, ngoài những biện pháp, giải pháp chung, UBND quận đã chỉ đạo lực lượng công an, UBND các phường liên kết chặt chẽ với cơ quan chủ quản, tiến hành khảo sát, nắm chắc các vi phạm, từ đó xây dựng thành kế hoạch, phương án, chuyên đề phù hợp với tình hình cụ thể, phối hợp tổ chức triển khai lực lượng cắm chốt ở những trọng điểm và lực lượng cơ động giải quyết các tình huống phát sinh như mất an ninh trật tự, ùn tắc giao thông… Do đó những vi phạm tại khu vực xung quanh các bệnh viện đã có nhiều chuyển biến và được duy trì tương đối tốt như Bệnh viện C, Bệnh viện K, Viện Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Việt - Đức…

Tạo sự chuyển biến mạnh và bền vững

- Thời gian qua, việc thực hiện trật tự văn minh đô thị ở một số nơi dường như mới chỉ bằng những giải pháp tình thế, do đó hiệu quả thu được chưa cao, thiếu tính bền vững. Theo ông, chúng ta phải khắc phục vấn đề này như thế nào?

- Tôi cho rằng, song song với những biện pháp trên, chúng ta phải có những hoạch định mang tính dài hạn, cụ thể ở đây là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong một tổng thể, có tầm nhìn, phù hợp với xu thế phát triển trong tương lai.

- Quận Hoàn Kiếm đã triển khai những biện pháp chiều sâu như vậy?

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Hoàn Kiếm lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định mục tiêu và nhiệm vụ trong công tác quản lý và xây dựng đô thị là tạo sự chuyển biến mạnh, bền vững về quản lý và xây dựng đô thị, trong đó có 6 trọng tâm với lộ trình thực hiện cụ thể như: Phối hợp với các sở, ngành triển khai công tác quản lý đô thị theo quy hoạch đối với khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực Hồ Gươm và phụ cận; Triển khai thiết kế đô thị, quy hoạch chi tiết 1/500 các tuyến chính, khu vực trọng điểm; Duy trì tốt 32 tuyến phố chính, tuyến phố văn minh đô thị và 5 khu vực trọng điểm; Quản lý và sắp xếp giao thông tĩnh, đầu tư xây dựng các điểm giao thông tĩnh ngầm và trên cao; Hoàn thành việc xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ tại Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên và thực hiện giãn dân phố cổ (giai đoạn 1); Tiếp tục cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng văn minh, chất lượng cao, cụ thể là hoàn thành hạ ngầm đường dây đi nổi (hiện nay còn 35/78 tuyến phố) …

- Như ông vừa nêu, đây đều là những công việc lớn, đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư lớn, thậm chí tầm vóc của nhiều dự án phải được sự phê duyệt của trung ương và thành phố?

- Như tôi đã nêu, tất cả mọi công việc đều phải được thực hiện trong một tổng thể. Trách nhiệm của chúng tôi là giải quyết hiệu quả những phần việc đã được phân cấp, kiến nghị với cấp trên công việc cần làm và đề xuất những giải pháp phù hợp. Ví dụ, hiện nay chúng tôi đang kiến nghị UBND thành phố nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm trên địa bàn Hà Nội, trong đó cho phép quận Hoàn Kiếm chủ động phối hợp cơ quan liên quan nghiên cứu không gian ngầm tại quy hoạch phân khu đô thị song song với nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm của toàn thành phố; Cho phép quận Hoàn Kiếm triển khai thực hiện không gian ngầm trong khu vực phố cổ Hà Nội tại một số điểm phù hợp như một phần lòng đường Hàng Khoai - chợ Đồng Xuân; khu vực 40 Thanh Hà, 17 Nguyễn Thiện Thuật... Thực tế đã triển khai thực hiện không gian ngầm tại Trung tâm thương mại Hàng Da và tuyến đường sắt đô thị tuyến N02 (giai đoạn 1) Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo nghiên cứu đi ngầm qua phố cổ Hà Nội đã được thành phố phê duyệt. Chúng tôi cũng đã đề nghị UBND thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hầm đường bộ nối từ Trần Nguyên Hãn sang Chương Dương Độ (kết nối từ khu vực Hồ Gươm ra khu vực ngoài đê) và xem xét cho phép sử dụng ngân sách quận để đầu tư...

- Mục tiêu “sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh” như quận Hoàn Kiếm và thành phố đang hướng tới bao gồm rất nhiều vấn đề, công việc cần làm. Có những phần cần triển khai ngay nhưng cũng có những phần cần làm lâu dài và như ông đã nói là đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ. Vậy theo ông, các cấp chính quyền phải vào cuộc với thái độ như thế nào?

- Chắc chắn để tạo những chuyển biến mạnh và bền vững về trật tự và văn minh đô thị là rất khó khăn, nhưng mục tiêu đó chỉ đạt được khi toàn xã hội hành động và trước hết chính quyền các cấp phải vào cuộc với quyết tâm chính trị rất cao. Như Bí thư thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, mục tiêu nêu trên phải thấm vào từng cán bộ, từng người dân, có như vậy thì “sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh” mới trở thành thương hiệu của Thủ đô.

- Trân trọng cảm ơn ông về những nội dung trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiên trì mục tiêu "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.