Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên trì mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp

Hồng Sơn| 12/12/2016 07:22

(HNM) - Năm 2016 được đánh giá là năm ghi dấu ấn về sự quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ với thông điệp tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, thông thoáng.


Người dân đến đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội.Ảnh: Viết Thành


Kết quả khả quan

Theo Tổng cục Thống kê, 11 tháng qua cả nước có 101.683 DN đăng ký thành lập mới, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số khá ấn tượng, thể hiện sự bứt phá mạnh mẽ của làn sóng khởi nghiệp trên diện rộng.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, dù thời gian triển khai các Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ cũng như các biện pháp hỗ trợ DN chưa dài nhưng đã thu được những kết quả tích cực, được dư luận ghi nhận. Năm 2016 chắc chắn là năm kỷ lục mới về số lượng DN đăng ký thành lập mới, vượt qua “mốc” 100 nghìn DN/năm. Đây sẽ là minh chứng thuyết phục, thể hiện chất lượng của môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam đang trên đà cải thiện nhanh chóng, căn bản. Đồng thời, thực tế này cũng lý giải vì sao mới đây Ngân hàng Thế giới công bố chỉ số môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 9 bậc so với năm trước, vào nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN.

VCCI cũng thừa nhận, những động thái liên tục, từ tuyên truyền đến đốc thúc, chỉ đạo và yêu cầu hỗ trợ, xác định DN là đối tượng phục vụ của Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương đã trở thành "kim chỉ nam" cho hành động ở các cấp. Những nội dung cụ thể từng bước thấm vào đời sống, tạo ra những chuyển động ban đầu và tích cực. Các DN đã có điều kiện gặp gỡ, đối thoại thường xuyên hơn với cấp điều hành, từ vĩ mô đến địa phương. Qua đó, họ có cơ hội nêu rõ tình hình thực tiễn, khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết, tháo gỡ.

Xét rộng hơn, kết quả về đăng ký thành lập DN đang trên đà tăng trưởng, diễn ra suôn sẻ sẽ là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020.

Vững bước trên con đường phía trước

Tuy vậy, những chuyển biến trong công tác hỗ trợ DN vẫn chưa thật sự đáp ứng hết mong mỏi của DN. Theo ông Vũ Tiến Lộc, kết quả cải cách thể chế, hỗ trợ DN của Việt Nam vẫn còn khoảng cách so với các nước ASEAN. Trên thực tế, DN cần cơ quan quản lý kiến tạo, đưa ra điều kiện hoạt động thuận lợi thông qua những biện pháp hữu hiệu, bình đẳng, kịp thời chứ không chỉ là sự cố gắng phòng chống tham nhũng, thất thoát, chống vi phạm tại hệ thống cơ quan chính quyền. Vấn đề đặt ra với các cấp quản lý, điều hành là nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế. Các bộ cần chủ động làm tốt chức năng của mình để hỗ trợ DN.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, thời gian DN nộp thuế đã được rút ngắn thêm 420 giờ, góp phần thuận lợi cho các đơn vị. Bộ này cũng khuyến khích các DN tiếp cận, từng bước chuyển đổi để đại trà hóa việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế, từ đó tăng tốc và chủ động hội nhập; mở rộng hợp tác với đối tác nước ngoài.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, thời gian tới Việt Nam sẽ đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) để khai thác tốt nguồn lực từ khu vực DN dân doanh. Như vậy, Chính phủ đang khẳng định sẽ tạo cơ hội cho DN dân doanh tham gia vào những lĩnh vực họ có thể đảm nhận.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Chính phủ sẽ kiên trì và quyết tâm thực hiện vai trò kiến tạo của mình; mỗi đơn vị phải nỗ lực, tự giác vươn lên bằng năng lực và sức sáng tạo của mình, cần chấm dứt tư duy, cách nghĩ dựa vào quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm trong hoạt động kinh doanh…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiên trì mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.