(HNM) - Thực tế cho thấy, việc mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) của Việt Nam đến nay đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, đồng thời sau 30 năm tiếp nhận nguồn vốn này cũng đủ để đúc rút những bài học đắt giá trong quản lý.
Nói như các chuyên gia, ĐTNN cần có sự hợp tác, đóng góp từ hai phía, với sự cầu thị và tinh thần nghiêm túc. Đặc biệt, yêu cầu này rất cần thái độ dứt khoát, kịp thời của chủ nhà khi xử lý các vấn đề liên quan đến mục tiêu làm trong sạch môi trường đầu tư - kinh doanh, nhắm tới lợi ích lâu dài cho nền kinh tế…
Không thu hút vốn bằng mọi giá
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổng kết và đưa ra nhận định, đã đến lúc phải thể hiện rõ quan điểm gia tăng sự lựa chọn, với sự chủ động chọn lọc, "khó tính" hơn khi quyết định cấp chứng nhận đầu tư (giấy phép) cho nhà ĐTNN. Lãnh đạo một số cơ quan quản lý cũng thống nhất khi đưa ra ý kiến có tính chủ trương xuyên suốt là "không thu hút đầu tư bằng mọi giá" để kết hợp hài hòa giữa mục tiêu gia tăng thu hút vốn với việc bảo đảm và nâng cao chất lượng dự án. Tất cả nhằm từng bước cải thiện, nâng cao hình ảnh và lợi ích kinh tế của chính nhà đầu tư cũng như sự đóng góp của khu vực ĐTNN đối với nền kinh tế nói chung. Vì vậy, Bộ KH-ĐT nhấn mạnh, các địa phương cần chủ động tăng cường thắt chặt nghiệp vụ, công tác thẩm định, đánh giá hồ sơ đăng ký xin cấp giấy chứng nhận đầu tư của nhà ĐTNN, từ đó cân nhắc kỹ khi xét duyệt để chọn ra các ứng viên xứng đáng. Mỗi tỉnh, thành phố có thể gạt đi những dự án kém chất lượng, nhất là phòng tránh một số hệ lụy hoặc bất lợi nếu dự án cụ thể chỉ áp dụng công nghệ thấp, sử dụng nhiều năng lượng, tiêu tốn nhiều nguyên liệu đầu vào và ẩn chứa hiểm họa gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, mỗi dự án khi triển khai đều sử dụng một diện tích cụ thể trong khi nguồn quỹ đất cả nước nói chung, mỗi địa phương nói riêng ngày càng hạn hẹp và chỉ có hạn mức nhất định. Các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh đang tiên phong trong việc kén chọn nhà đầu tư, tỏ ra chặt chẽ đối với những dự án đề xuất sử dụng nhiều đất. Ngược lại, các địa phương đều mong muốn tiếp nhận dự án có công nghệ cao, tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo hoặc làm hàng xuất khẩu có hàm lượng chất xám cao; từ đó thu về nhiều giá trị gia tăng, đồng thời hỗ trợ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện CNH-HĐH trên địa bàn.
Tạo cơ hội cho nhà đầu tư xứng đáng
Hiện một số tỉnh cũng đang tỏ rõ bản lĩnh, cứng rắn với những trường hợp chây ỳ, chậm triển khai dự án của nhà đầu tư. Đây là những thực tế không mong muốn, nhưng vẫn luôn có thể xảy ra, là tồn tại do chính nhà đầu tư không thể tự giải quyết sau khi được cấp phép. Nhiều trường hợp dự án vẫn chỉ là bãi đất trống sau vài năm nhận giấy phép, thậm chí lâu hơn gây bức xúc dư luận, nhất là ảnh hưởng đến quy hoạch, cơ hội phát triển đối với tỉnh, thành phố. Trước thực trạng đó, nhiều địa phương đã quyết tâm xử lý dứt điểm, bắt đầu từ việc gặp gỡ, nắm bắt tình hình, trao đổi với nhà đầu tư và nhắc nhở họ thực hiện kế hoạch triển khai kèm theo những cảnh báo. Nếu nhà đầu tư vẫn chây ỳ thì kết cục cuối cùng sẽ bị chính quyền rút giấy phép. Đơn cử, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa quyết định chấm dứt hiệu lực pháp lý và thu hồi giấy phép đối với 5 dự án ĐTNN, chủ yếu do các dự án này không thực hiện cam kết, quy định trong giấy phép. Tuy đó là những dự án có quy mô nhỏ, nhưng cho thấy rõ mục tiêu "làm sạch" môi trường đầu tư, hơn nữa là tạo dựng sự minh bạch, khuyến khích cộng đồng nhà đầu tư tuân thủ và thượng tôn pháp luật. Đặc biệt, qua đó tạo ra cơ hội bình đẳng, dành đất cho những dự án khác có thực lực thay thế, tránh sự lãng phí nguồn quỹ đất cũng như tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư.
Tương tự, nhiều địa phương khác đang tập trung rà soát các dự án chậm triển khai. Theo Bộ KH-ĐT, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã thu hồi Dự án khu du lịch Mũi Dinh vì chủ dự án không thực hiện việc nộp tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án theo cam kết cũng như chưa có động thái nào liên quan đến việc triển khai dự án. Các chuyên gia cho biết, đây là địa điểm giàu tiềm năng, nhiều sức hấp dẫn đối với giới đầu tư quốc tế và điều đó tạo ra thời cơ cho các đối tác khác tham gia trong thời gian tới. Song xét từ phía chính quyền các địa phương, việc đi đến quyết định dừng, thu hồi một dự án ĐTNN cũng không hề đơn giản. Điều cơ quan quản lý khó xử lý là nhà đầu tư đã triển khai một phần rất nhỏ như bỏ vốn làm đường, san lấp mặt bằng hoặc đền bù một phần diện tích đất… tạo ra tình trạng xôi đỗ, khó phân biệt rạch ròi, lại càng gây khó cho chính quyền trong việc thẩm định giá trị nhà đầu tư đã bỏ ra bao nhiêu vốn để hoàn trả trước khi ra quyết định thu hồi giấy phép. Cũng vì vậy, có khả năng không ít nhà đầu tư cố tình đầu tư nhỏ giọt và không loại trừ tâm lý "xí phần" để đấy…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.