Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên quyết lập lại trật tự vận tải, bảo đảm an ninh khu vực Bến xe Mỹ Đình

Tuấn Lương| 25/08/2013 06:11

(HNM) - Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Hà Nội đã và đang nỗ lực chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh nói chung và hoạt động của Bến xe Mỹ Đình nói riêng.



Tuy nhiên, ngay từ khi bắt đầu có chủ trương điều chuyển, sắp xếp lại một số tuyến từ Bến xe Mỹ Đình về các bến xe khác trên địa bàn thành phố, hàng loạt vấn đề đã nảy sinh, từ việc doanh nghiệp (DN) vận tải phản đối điều chuyển cho đến "tố" cơ quan chức năng có tiêu cực trong khâu cấp nốt xe hoạt động... Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Tân - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, về các nội dung liên quan.

Quản lý chưa khoa học; xử lý thiếu cương quyết

- Dư luận cho rằng Bến xe Mỹ Đình đang quá tải trầm trọng. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

-Thời gian qua, đúng là khu vực Bến xe Mỹ Đình luôn trong tình trạng ùn tắc và mất an ninh trật tự. Tuy nhiên, đó chỉ là ùn tắc chứ không thể gọi là quá tải. Việc gọi Bến xe Mỹ Đình quá tải như phản ánh chỉ là do cảm quan. Đến thời điểm này, Sở GTVT Hà Nội khẳng định chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về công suất thiết kế cho bến xe mà chỉ quy định loại bến xe, được ban hành trong "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia" về bến xe khách tại Thông tư số 49/2012/TTBGTVT ngày 12-12-2012 của Bộ GTVT.

Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân.


- Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng ùn tắc và mất an ninh trật tự, thưa ông?

- UBND TP Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc họp với các cơ quan chức năng liên quan nhằm đánh giá cụ thể tình hình và tìm các giải pháp khắc phục. Về cơ bản, có thể nhận định, tình trạng ùn tắc tại khu vực Bến xe Mỹ Đình đến từ 5 nguyên nhân. Thứ nhất là vấn đề cơ chế chính sách trong hoạt động quản lý vận tải trước đây. Cụ thể từ trước năm 2010, theo các Quyết định số 08/2003/QĐ-BGTVT, số 09/2003/QĐ-BGTVT và số 16/2007/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT, Sở GTVT các tỉnh bạn được phép chấp thuận xe ra, vào bến Mỹ Đình mà không cần có ý kiến của Sở GTVT Hà Nội, chỉ cần có ý kiến của đơn vị khai thác bến xe.

Thứ hai, do điều kiện kinh doanh đơn giản nên các doanh nghiệp phát triển nhanh. Bên cạnh đó là do nhu cầu đi lại tăng cao, nhất là Bến xe Mỹ Đình giáp ranh giữa các quận, huyện Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, là những khu vực có tốc độ phát triển đô thị nhanh nhất thành phố và cũng là nơi tập trung đông các trường đại học, cao đẳng của Hà Nội.

Thứ ba, việc đầu tư phát triển, mở rộng bến xe khách chưa đáp ứng theo quy hoạch tại Quyết định 165/2003/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội. Theo quy hoạch này, Bến xe Mỹ Đình có quy mô là 3,5ha được triển khai xây dựng nhằm chuyển Bến xe Kim Mã và một phần hỗ trợ cho Bến xe Gia Lâm và Bến xe Giáp Bát. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bến xe Mỹ Đình chỉ hoạt động trên mặt bằng chưa đầy 2ha nên không đáp ứng được nhu cầu đi lại tăng nhanh của nhân dân khu vực này.

Thứ tư, công ty quản lý, điều hành bến chưa khoa học. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ còn hạn chế, việc tổ chức phân luồng, kiểm soát luồng khách ra vào bến chưa được chú trọng, hoạt động đón trả khách của xe buýt, taxi, xe ôm còn lộn xộn...

Thứ năm, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự đô thị và hoạt động vận tải chưa nghiêm, chưa kịp thời dẫn đến hiện tượng đón trả khách không đúng nơi quy định, phương tiện không đủ điều kiện kinh doanh, chạy sai hành trình vẫn đón trả khách, chạy vòng vo, chạy chậm, gây ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông.

- Hiện tượng xe "dù", bến "cóc" suốt thời gian dài gây bức xúc cho dư luận xã hội. Trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?

- Việc xảy ra tình trạng lộn xộn trong công tác quản lý hoạt động tại Bến xe Mỹ Đình thời gian qua có thể nói một phần do các đơn vị quản lý địa bàn chưa quyết liệt vào cuộc xử lý các bến xe "dù", một phần do lực lượng kiểm tra, tuần tra còn xử lý chưa quyết liệt, triệt để. Tình trạng xe "dù", bến "cóc" quanh khu vực Bến xe Mỹ Đình còn tồn tại phổ biến và diễn ra trong thời gian dài làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, an ninh xã hội, gây bức xúc cho xã hội và người dân. Vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra GTVT phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, điều kiện kinh doanh vận tải, kiểm tra, xử lý, giải tỏa các vi phạm về trật tự đô thị xung quanh khu vực các bến xe. Đặc biệt, tập trung dẹp nạn bến "cóc", xe "dù", bên cạnh đó củng cố hạ tầng, tổ chức đường vào ra bến xe và chỉ đạo đơn vị quản lý bến ưu tiên tối đa cho xếp xe, khách vào. Do đó, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực Bến xe Mỹ Đình đã được cải thiện đáng kể.

Các địa phương chưa chia sẻ với Hà Nội

- Vừa qua, việc sắp xếp, điều chuyển của Sở GTVT Hà Nội đã gây phản ứng từ không ít DN vận tải và Sở GTVT các tỉnh bạn. Quan điểm của Sở về việc này như thế nào?

- Trước tiên phải nói, do tình trạng ùn tắc, mất an ninh trật tự, mất an toàn giao thông và nạn xe "dù", bến "cóc" tại Bến xe Mỹ Đình nên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch sắp xếp lại một số tuyến vận tải khách liên tỉnh để bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại khu vực này. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch 1046/KH-SGTVT ngày 17-7-2013 về việc "rà soát, sắp xếp điều chuyển một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh từ Bến xe Mỹ Đình về các bến xe trên địa bàn thành phố". Trước và sau khi triển khai kế hoạch này, Sở GTVT Hà Nội cũng đã tổ chức họp với các Sở GTVT địa phương và các DN vận tải, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để các DN có phương án chuẩn bị thực hiện việc điều chuyển. Tuy nhiên các Sở GTVT địa phương lại chưa thực sự chia sẻ với Hà Nội trong việc sắp xếp lại nhằm giảm tải cho Bến xe Mỹ Đình, bảo đảm an ninh trật tự khu vực này. Các DN vận tải chỉ chạy theo lợi nhuận, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận lái xe còn hạn chế, không muốn thay đổi thói quen... Do vậy mà có không ít phản ứng. Song, Sở GTVT Hà Nội vẫn kiên quyết lập lại trật tự vận tải, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, đặc biệt là khu vực Bến xe Mỹ Đình theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.

- Theo ông, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để vừa bảo đảm công tác quản lý nhà nước, vừa không làm xáo trộn quá nhiều việc đi lại của người dân, là gì?

- Trước mắt, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội phối hợp với UBND huyện Từ Liêm triển khai dự án mở rộng Bến xe Mỹ Đình theo đúng quy mô, diện tích đã được phê duyệt là 3,5ha. Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội đã đồng ý để Tổng Công ty Vận tải Hà Nội triển khai thêm dự án sử dụng bến xe Nam Thăng Long để thực hiện việc điều chuyển toàn bộ tuyến Thái Nguyên về khai thác (đã thực hiện và điều chuyển từ ngày 15-8-2013). Về lâu dài, TP Hà Nội tiếp tục triển khai các dự án đầu tư xây dựng bến xe khách liên tỉnh theo quy hoạch định hướng phát triển vận tải khách đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời tiếp tục sắp xếp luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh cho phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông Thủ đô.

- Đã có những thông tin "tố" lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội có biểu hiện tiêu cực trong việc cấp nốt hoạt động cho xe khách. Đề nghị ông cho biết ý kiến về thông tin này?

- Sở GTVT Hà Nội có thể khẳng định ngay rằng không có tiêu cực trong việc cấp nốt xe tại các bến xe khách. Việc thực hiện cấp nốt (cấp thỏa thuận, chấp thuận khai thác tuyến) đều thực hiện theo đúng quy định của Bộ GTVT, theo đúng bộ thủ tục hành chính của UBND TP Hà Nội. Bản thân việc chấp thuận cho xe vào khai thác tại các bến xe khách đều phải có sự chấp thuận của cơ quan quản lý tuyến là hai đầu Sở GTVT. Tiêu cực mới chỉ là ý kiến của dư luận. Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Thanh tra và cơ quan công an vào cuộc làm rõ. Kết quả công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được thông báo cụ thể sau khi có kết luận. Sở GTVT Hà Nội sẵn sàng hợp tác với tổ chức, cá nhân trong việc phát hiện ngăn chặn hiện tượng tiêu cực (nếu có) xảy ra.

- Đề nghị ông giới thiệu cụ thể quy trình, thủ tục cấp nốt khai thác tuyến?

- Việc cấp nốt xe vào bến xe hiện nay được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Khoản 5 Thông tư 14 của Bộ GTVT. Theo đó, các đơn vị đăng ký hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định phải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có loại hình vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định do các Sở GTVT cấp. Trình tự thủ tục giải quyết theo quy định tại Điều 9 Khoản 6 Thông tư 14 của Bộ GTVT. Đối với các tuyến dưới 1.000km do các Sở GTVT thẩm định giải quyết. Đối với các tuyến trên 1.000km do Tổng cục Đường bộ Việt Nam thẩm định giải quyết và có văn bản gửi Sở GTVT hai đầu tuyến liên quan. Thời gian trả lời cho DN không quá 10 ngày từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Vì vậy có thể nói các thủ tục hành chính để cho một đơn vị vận tải xin hoạt động khai thác tại các bến xe khách hiện nay rất thông thoáng, rõ ràng, công khai nên không thể có tiêu cực.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiên quyết lập lại trật tự vận tải, bảo đảm an ninh khu vực Bến xe Mỹ Đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.