Trước tình trạng người say rượu lái xe không có chiều hướng giảm, Tổng cục Đường bộ đã đề nghị hình sự hóa với người lái xe có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt quá quy định.
Trong văn bản gửi Bộ Giao thông, góp ý việc sửa đổi Bộ luật Hình sự, Tổng cục Đường bộ đã đề nghị hình sự hóa hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định (vượt quá 100mlg/100ml máu hoặc vượt quá 0,5mg/1 lít khí thở).
Tổng cục Đường bộ cho hay, theo kinh nghiệm quốc tế, hành vi lái xe có nồng độ cồn vượt quá quy định bị xử lý nghiêm khắc tại nhiều nước. Ngoài việc phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, người vi phạm còn bị khởi tố hình sự và hình phạt tù.
Ở nước ta hiện nay, tình trạng người điều khiển xe có nồng độ cồn cao trong máu hoặc hơi thở cao hơn mức quy định trên vẫn chưa có chiều hướng giảm, đây được coi là nguồn nguy cơ đe dọa an toàn cho xã hội nghiêm trọng. Để đảm bảo tính răn đe, tránh nguy hiểm cho xã hội, cần bổ sung hình sự hóa hành vi lái xe vi phạm nồng độ cồn quá quy định vào Bộ luật Hình sự.
Tình trạng lái xe say rượu còn khá phổ biến. Ảnh minh họa: Quốc Thắng |
Ngoài ra, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị hình sự hóa đối với hành vi chở hàng quá tải trọng trên 150% đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm. Theo Tổng cục Đường bộ, tình trạng xe chở hàng quá tải trọng diễn ra phổ biến và hết sức nghiêm trọng; nhiều xe chở quá 100% - 200% tải trọng hoặc bị xử phạt nhưng vẫn tái phạm; tình trạng các tuyến đường có nhiều xe quá tải đi qua bị hư hỏng nghiêm trọng.
Theo số liệu kiểm tra tại 63 trạm cân lưu động từ tháng 4/2014, các lực lượng đã phát hiện 135 xe chở quá tải trên 150% song tái phạm 3 lần, 29 xe tái phạm lần thứ 4. Cá biệt có 6 xe quá tải trên 300% cũng tái phạm 3 - 4 lần.
Tại văn bản gửi Chính phủ cuối tháng 2, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã đề nghị Chính phủ thí điểm tịch thu phương tiện với người điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, nếu lái xe có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở, sẽ bị tước giấy phép 2 năm và tịch thu phương tiện; Đồng thời phải thi lại Luật giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép. Hình thức xử phạt này áp dụng cho cả người vi phạm điều khiển môtô, xe gắn máy (xe máy điện) và các loại xe tương tự môtô, xe gắn máy.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ liên quan khẩn trương nghiên cứu đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trước ngày 31/3.
Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ quy định người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở thì mức phạt là 10 đến 15 triệu đồng với người điều khiển ôtô và phạt từ 2 đến 3 triệu đồng với người điều khiển xe môtô; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.