Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng An toàn thực phẩm cho biết sắp tới Cục sẽ xin ý kiến Bộ Y tế để đưa vấn đề bác sĩ được kê toa thực phẩm chức năng vào thông tư hướng dẫn quản lý.
Phát biểu tại hội thảo bàn về thực trạng quản lý thực phẩm chức năng diễn ra cuối tuần qua ở Hà Nội, ông Trung cho biết, để hướng dẫn người dân dùng thực phẩm chức năng thì bác sĩ phải kê đơn. Mục đích không phải kê đơn để điều trị mà để hỗ trợ quá trình điều trị, sau điều trị, để tăng cường sức đề kháng cho người bệnh.
"Cũng cần phải nói là không phải sản phẩm chức năng nào bác sĩ cũng được kê đơn. Sắp tới, Cục sẽ xin ý kiến lãnh đạo của Bộ Y tế để đưa vào thông tư hướng dẫn quản lý thực phẩm chức năng", ông Trung nói.
Có cho phép bác sĩ kê toa thực phẩm chức năng hay không là nội dung được thảo luận sôi nổi tại hội thảo này. Hiện nay Bộ Y tế quy định bác sĩ không được kê đơn thực phẩm chức năng. Cụ thể, theo quy chế kê đơn thuốc điều trị ngoại trú, được Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) ban hành đầu năm 2008, thầy thuốc không được phép kê đơn thực phẩm chức năng cho người bệnh.
Theo nhiều chuyên gia, nên sửa quy định này nhằm hướng dẫn người dân sử dụng thực phẩm chức năng cho đúng và an toàn. Không phải là thuốc, nhưng thực phẩm chức năng có tác dụng nâng cao thể trạng, nhất là trong các trường hợp người mới ốm dậy, sức khỏe suy giảm nhưng chưa đến mức phải điều trị, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính lâu dài, người già cần bổ sung vitamin, khoáng chất… Đối với người bệnh điều trị, thực phẩm chức năng giúp tránh các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc lên các cơ quan khác như gan, thận…
Từ lợi ích của thực phẩm chức năng, Phó giáo sư Trần Đáng, nguyên Cục trưởng An toàn Thực phẩm nói: “Đơn thuốc phải là lời dặn dò của thầy thuốc đối với bệnh nhân về cách dùng thuốc, cách ăn uống, cách vận động, làm việc, nghỉ ngơi. Tại sao lại cấm bác sĩ kê đơn trong khi thực phẩm chức năng rất hữu ích và cần thiết cho người điều trị ngoại trú, và kể cả nội trú?”. Ông cũng đặt vấn đề: “Phát triển thực phẩm chức năng để phục vụ cho sức khỏe con người là xu hướng tất yếu và không thể phủ nhận ở Việt Nam và các nước tiên tiến trên thế giới. Do vậy, người dân cần sự tư vấn chuẩn xác để sử dụng đúng và đạt hiệu quả tốt nhất cho lợi ích của mình. Khi đó, họ hỏi ai?”.
Đồng tình với quan điểm này, giáo sư Hoàng Tích Huyền, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dược lý, Đại học Y Hà Nội, cho rằng đã đến lúc cần lưu ý kê đơn những thực phẩm chức năng trong các bệnh viện để làm phong phú các phương cách điều trị, giúp người bệnh chóng lấy lại sức khỏe.
Ông Dương Huy Liệu, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam cho biết: “Bộ Y tế nên sửa quy định trên. Thay vì cấm bác sĩ kê đơn thực phẩm chức năng thì cần có thông tư, chỉ thị hướng dẫn sử dụng thực phẩm chức năng trong điều trị, dự phòng nâng cao sức khỏe một cách tương đối toàn diện”.
Trong khi đó, Giáo sư Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam thì góp ý: “Tôi không phản đối việc bác sĩ kê đơn thực phẩm chức năng nhưng chúng ta cần đảm bảo rằng người thầy thuốc muốn chỉ định cho người bệnh dùng thì trước hết phải có hiểu biết sản phẩm đó có những thành phần gì, tác dụng như thế nào". Ông lấy ví dụ như một số loại chứa Glucosamine mà kê cho bệnh nhân vừa đau khớp, thoái hóa khớp lại vừa có bệnh tiểu đường thì không tốt đâu.
"Tôi nghĩ, ngay từ chương trình đào tạo bác sĩ cần đưa vào một bộ môn liên quan đến vấn đề này, đồng thời cần có cơ quan nghiên cứu riêng về thực phẩm chức năng để cập nhật thông tin cho bác sĩ”, ông Khải nhấn mạnh.
Theo ông, hiện có rất nhiều người Việt Nam dùng thực phẩm chức năng, có người thấy tốt, có người không, thậm chí bị tác dụng phụ là vì không biết có những thành phần gì trong sản phẩm đó. Chính vì thế, người dân rất cần sự hướng dẫn của thầy thuốc, và muốn vậy thì họ cần dựa vào chỉ dẫn của cơ quan chức năng xem thực phẩm nào có thể dùng được, hỗ trợ điều trị bệnh gì, loại nào không thể dùng được…
Tại hội thảo, các chuyên gia y tế cũng đã thảo luận về các phương pháp chỉ định có thể áp dụng cho thực phẩm chức năng. Phó giáo sư, Tiến sĩ Hồ Bá Do, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Quân y cũng chia sẻ, ông vẫn “kê đơn có thực phẩm chức năng”, nhưng nêu rõ đâu là thực phẩm chức năng để hướng dẫn cho người bệnh.
Một số ý kiến cho rằng nên sử dụng đơn riêng khác màu để phân biệt với đơn thuốc, ghi vào sổ y bạ… Có chuyên gia góp ý sửa đơn thuốc hiện hành trở thành “Y Lệnh” vẫn dùng như thời gian trước, nghĩa là bên cạnh thuốc, bác sĩ có thể ghi hướng dẫn cho người bệnh cách dùng thuốc, lời khuyên về bổ sung dinh dưỡng, tập luyện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.