Ngày 31/7 tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức hội nghị bàn tròn nêu lên ý kiến và kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam về “Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay”.
Hội nghị nêu lên ý kiến và kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam về “Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay”. Ảnh: TH |
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng đông đảo các đại biểu là nhân sĩ, trí thức, chuyên gia, người có uy tín trong xã hội, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội...
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim khẳng định: Trong nhiều thập kỷ qua, nền giáo dục Việt Nam có những bước phát triển, đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và đổi mới đất nước. Trong những năm qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục như đổi mới phương pháp dạy và học, sử dụng thiết bị dạy học hiện đại, ban hành nhiều chính sách chăm lo đội ngũ giáo viên… Tuy nhiên trong quá trình phát triển, nền giáo dục nước nhà đã và đang bộc lộ nhiều bất cập.
Đồng chí Vũ Trọng Kim khẳng định: Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, mỗi người dân, mỗi gia đình và toàn dân tộc Việt Nam đều tha thiết mong muốn làm sao đưa nền giáo dục nước nhà ra khỏi tình trạng yếu kém, bất cập hiện nay, để con em Việt Nam được học tập, rèn luyện trở thành chủ nhân của đất nước, có văn hóa, đạo đức, kiến thức, kỹ năng, sống có ích cho gia đình và xã hội. Giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục, phát huy trí tuệ, nâng cao kỹ năng cho người lao động hiệu quả nhất sẽ tạo động lực mới phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; huy động, sử dụng nguồn lực cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giáo dục trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo...
Các đại biểu bày tỏ mong muốn đưa được nền giáo dục nước nhà ra khỏi tình trạng yếu kém, bất cập hiện nay, để các em được học tập, rèn luyện trở thành chủ nhân của đất nước, có văn hóa, đạo đức, kiến thức, kỹ năng, sống có ích cho gia đình và xã hội.
Phân tích về việc không cần thiết phải học thêm, Giáo sư Hoàng Xuân Sính, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT trường Đại học Thăng Long hiến kế: “Chúng ta phải nhanh chóng khép việc học thêm lại, tốn tiền nhân dân và làm hại sức khỏe của học sinh; nhà trường, gia đình và xã hội hợp tác dạy học sinh biết tiết kiệm và chăm chỉ trong đời sống hàng ngày, trong gia đình và nhà trường; thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục với những văn bản phù hợp với thực tiễn và không chồng chéo nhau. Có như vậy ta mới có tiền để tăng ngân sách giáo dục để trước hết tăng lương cho toàn thể thày cô giáo, không thể để giáo viên sống với đồng lương như bây giờ.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nguyên viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục khẳng định, giáo dục nhà trường hiện đại trở thành một nhân tố hữu cơ làm nên cuộc sống cá nhân hiện đại cho cả 100% dân cư. Do đó nó phải rất thực và vững chắc, không thể có sự may rủi. Việc học đối với con người là việc thiết thân, sống còn... Giáo sư Hồ Ngọc Đại đề nghị, hệ thống giáo dục phổ thông nên là 11 năm, trong đó có 6 năm dành cho bậc tiểu học, 3 năm cho Trung học cơ sở và 2 năm cho THPT.
GS văn Như Cương cho rằng: “Các môn học “làm người” trong trường PTTH không được chú trọng. Những quy tắc đơn giản trong giao tiếp, ứng xử trong cộng đồng, thái độ đối với môi trường, thiên nhiên, những điều ác cần tránh, những điều thiện nên làm, những phẩm chất cần rèn luyện như tính trung thực, lòng vị tha, tôn trọng pháp luật… đều không được dạy dỗ một cách hệ thống và bài bản trong trường học của chúng ta hiện nay.”. Từ thực tế này, GS Văn Như Cương đề xuất cần có một sự đổi mới rất căn bản về nội dung chương trình theo xu hướng giảm tải kiến thức nhưng tăng cường giáo dục kĩ năng sống.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước ta không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành giáo dục mà là sự nghiệp lớn lao của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam. Những ý kiến tâm huyết của các đại biểu dự Hội nghị thể hiện tâm tư, nguyện vọng, trí tuệ của công dân đối với sự nghiệp giáo dục hiện nay.
Phó Chủ tịch nước cho rằng, ngành giáo dục đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục như việc học hành còn nặng về lý thuyết, ít thực hành; quá coi trọng về bằng cấp; chất lượng giáo viên chưa đồng đều... Do đó, ngành giáo dục cần đổi mới về tư duy, chú trọng giáo dục nhân cách học sinh ngay từ bậc tiểu học. Đồng thời xác định mục tiêu đào tạo của từng cấp học để đề ra phương pháp dạy phù hợp.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá công tác giáo dục đào tạo; quan tâm cơ chế đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; nghiên cứu, xem xét bỏ kỳ thi tốt ngiệp trung học phổ thông.../.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.