Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

Tú Minh| 17/05/2023 06:29

(HNNN) - Hiện nay, vấn đề bảo đảm an toàn cho trẻ tại một số điểm vui chơi vẫn chưa được quan tâm đúng mức, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Hà Nội Ngày nay giới thiệu ý kiến của chuyên gia, người dân về giải pháp hạn chế nguy cơ mất an toàn khi trẻ vui chơi tại những nơi công cộng.

Luật sư Nguyễn Đức Năng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Năng & Partner:
Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm

Có một thực tế, nhiều sân chơi dành cho trẻ em hiện nay đang trong tình trạng buông lỏng quản lý. Theo quy định, toàn bộ những loại hình kinh doanh vui chơi cho trẻ em đều phải có giấy phép đăng ký kinh doanh, chứng nhận đủ điều kiện hoạt động, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và điều kiện về nhân viên chuyên môn theo quy định của pháp luật. Cụ thể như với loại hình patin, ván trượt: Áp dụng Thông tư 16/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động pat-in thì người sử dụng patin, ván trượt chỉ được phép trượt trong công viên, trong khu vực kinh doanh. Trường hợp sử dụng patin, ván trượt trên đường thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 100 nghìn đến 200 nghìn đồng theo quy định tại điểm b Khoản 2, Điều 11, Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, dù quy định đã có nhưng trên thực tế vẫn còn tình trạng trượt patin, ván trượt dưới lòng đường, vỉa hè..., tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, thương tích.

Bên cạnh đó, khu vui chơi cho trẻ em cũng cần được đăng ký theo Nghị định số 78/2015/NĐ-CP quy định về đăng ký doanh nghiệp. Trong đó, với loại hình kinh doanh ô tô điện mini, hiện pháp luật không cho phép lưu hành xe tự chế. Hành vi sử dụng xe tự chế có thể bị xử phạt từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng theo quy định tại Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Để quản lý các khu vui chơi cho trẻ em, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác động tiêu cực của các loại xe điện tự chế, các trò chơi không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần thường xuyên rà soát, thống kê, phân loại thiết bị trò chơi theo định kỳ, xử lý nghiêm bằng nhiều hình thức, thậm chí tịch thu nếu phương tiện không đủ điều kiện an toàn; yêu cầu các chủ cơ sở cam kết không tự chế, lắp ráp các loại xe không được phép lưu thông, các trường hợp cố tình vi phạm phải bị xử lý nghiêm theo quy định.

Các địa phương cũng cần quan tâm xây dựng thêm nhiều sân chơi phù hợp cho trẻ em. Đặc biệt, các bậc phụ huynh không nên để trẻ tự ý vui chơi, điều khiển các loại xe điện nơi công cộng.

Ông Hà Đình Bốn, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam:
Triển khai đồng bộ các giải pháp

Việt Nam có hệ thống pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, trong đó có nhiều quy định cụ thể để đảm bảo quyền vui chơi, giải trí của trẻ, có quy định về việc đảm bảo an toàn tại các khu vui chơi, thẩm định mức độ an toàn về đồ chơi, trò chơi dành cho trẻ. Đồng thời, Nhà nước ta cũng có các văn bản quy phạm pháp luật, đưa ra các hình thức chế tài hành chính, hình sự để xử lý các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo quyền vui chơi, giải trí an toàn cho trẻ em... Có thể nói, việc bảo đảm quyền được vui chơi, giải trí của trẻ em trong những năm qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Nhiều địa phương đã dành quỹ đất, nguồn lực để xây dựng các điểm vui chơi, cơ sở vui chơi giải trí cho trẻ em, về cơ bản đã tuân thủ quy định của pháp luật như thẩm tra, thẩm định thiết bị, trò chơi, đồ chơi nhằm ngăn ngừa sự cố xảy ra, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng trẻ em.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật: Một số trò chơi nguy hiểm, thiết bị không an toàn, không qua kiểm định, trò chơi tự chế không đảm bảo thông số an toàn kỹ thuật vẫn được đưa vào hoạt động. Trước thực trạng đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ em khi vui chơi, chúng ta cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp cơ bản sau: Tiếp tục rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện có để hoàn thiện quy định về công tác đảm bảo an toàn cho trẻ em vui chơi, đặc biệt là các quy định về việc thẩm tra, thẩm định hoạt động sản xuất đồ chơi, trò chơi cho trẻ em, quy định cụ thể về an toàn trong khu vui chơi, giải trí. Các tổ chức, cá nhân quản lý khu vui chơi cần nghiêm túc chấp hành quy định, bố trí lực lượng giám sát, theo dõi và can thiệp kịp thời khi có sự cố xảy ra nhằm hạn chế rủi ro cho trẻ. Cùng với đó, chúng ta cũng cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền rộng khắp đến các cấp, các ngành và đặc biệt là các bậc phụ huynh để nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ, không cho trẻ em vui chơi ở lòng đường, vỉa hè, khu vực đang xây dựng hoặc ở gần sông, suối, ao, hồ..., không cho trẻ chơi những trò chơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động tại các khu vui chơi giải trí của trẻ em, các cơ sở sản xuất đồ chơi, trò chơi dành cho trẻ em cũng như hoạt động nhập khẩu đồ chơi. Cần nỗ lực phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm túc đối với các trường hợp vi phạm, áp dụng chế tài xử phạt mang tính răn đe cao như phạt tiền hoặc tịch thu phương tiện sử dụng trái phép, đóng cửa các cơ sở vui chơi không đảm bảo an toàn. Kiên quyết xử lý trách nhiệm hình sự nếu cơ sở vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Chị Nguyễn Thị Nhung (Trung tâm thương mại Chợ Mơ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội):
Nâng cao trách nhiệm người giám sát

Tôi thường xuyên cho con ra các khu vui chơi ngoài trời gần nơi mình cư trú. Trẻ con thường hiếu động, tò mò và ham muốn khám phá nên các con luôn háo hức muốn thử các trò chơi mới lạ, trong khi kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn lại chưa có, nên chúng rất cần được trông nom, quan sát cẩn thận. Tuy nhiên, tôi nhận thấy, nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa coi trọng việc bảo vệ con em mình tại các khu vui chơi. Khá nhiều phụ huynh đưa con đến khu vui chơi rồi “thả” con tự chơi còn mình thì cắm cúi xem điện thoại. Đã có nhiều trường hợp trẻ gặp tai nạn, ngã hoặc trầy xước do sự bất cẩn của cha mẹ. Chính vì thế, tôi cho rằng, ngoài việc tuân thủ khuyến cáo của người quản lý, hướng dẫn ở khu vui chơi, các bậc phụ huynh nên trang bị kiến thức bảo vệ trẻ an toàn khi cho trẻ vui chơi tại các khu giải trí tập trung đông người, chủ động tìm hiểu những cảnh báo đối với từng trò chơi để lựa chọn trò chơi phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của trẻ. Đặc biệt, phải thường xuyên quan sát trẻ khi chúng tham gia các trò chơi để hạn chế tai nạn đáng tiếc xảy ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.