(HNMO) - Sáng 6-6, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU Ngô Thị Thanh Hằng cùng các thành viên trong Ban Chỉ đạo đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình 02 tại huyện Hoài Đức.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm khu sản xuất rau an toàn xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. |
Trước giờ làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã thăm một số công trình hạ tầng của xã Lại Yên, thăm cơ sở sản xuất hương của hộ ông Nguyễn Đình Cường - hiện đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Đoàn cũng đã thăm vùng sản xuất rau an toàn xã Tiền Yên - đây là mô hình trồng rau có sự liên kết với các doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ cho hiệu quả cao.
Báo cáo với Phó Bí thư Thường trực, trưởng nhóm sản xuất rau an toàn HTX nông nghiệp Tiền Lệ cho biết: Từ khi có mô hình liên kết, thu nhập của người trồng rau đạt khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Nông dân mong muốn thành phố hỗ trợ đẩy mạnh các mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, làm “trọng tài” cho mối liên kết này; là cầu nối giúp nông dân tiếp cận với “nhà khoa học” để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Tiếp đó, Đoàn cũng đã thăm và tặng quà học sinh Trường Mầm non Yên Sở.
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức cho biết, hiện Hoài Đức đã có 19/19 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và hiện nay đang hoàn thiện hồ sơ để thành phố đề nghị Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Hiện Hoài Đức còn gặp một số khó khăn như việc cấp đất dịch vụ chậm; đối với vùng bãi, đề nghị thành phố sớm cắm mốc thoát lũ sông Đáy để người dân yên tâm sản xuất; huyện cũng đề nghị thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án đô thị đã được phê duyệt, tránh lãng phí đất đai, gây bức xúc trong nhân dân và cho phép huyện lập đề án, có cơ chế phù hợp mở rộng vùng trồng rau an toàn; đồng thời, hỗ trợ huyện sớm hoàn thiện hồ sơ để được công nhận huyện NTM.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương huyện Hoài Đức đã đạt được kết quả ấn tượng trong thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy. Thành công này đã đưa Hoài Đức trở thành một trong bốn huyện dẫn đầu thành phố trong xây dựng NTM. Đối với sản xuất nông nghiệp, huyện Hoài Đức đã có những đầu tư, tạo chuyển biến về năng suất, chất lượng hàng nông sản. Sau dồn điền đổi thửa, trên địa bàn đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, hiệu quả cao như vùng trồng nhãn chín muộn, bưởi đường Quế Dương, phật thủ Đắc Sở, Yên Sở; vùng trồng rau an toàn, chăn nuôi... Đối với xây dựng NTM, huyện Hoài Đức đã có 100% số xã đạt chuẩn xây dựng NTM và đang được Trung ương xét công nhận huyện NTM. Đầu năm 2017, huyện đã phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2017-2020. Đời sống người dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đã đạt 34 triệu đồng/người/năm. Đầu năm 2017, huyện có 8 xã, người dân được dùng nước sạch Sông Đà...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị huyện Hoài Đức cần tập trung quyết liệt đồng bộ các giải pháp mà Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của huyện đề ra với nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị đóng trên địa bàn cùng vào cuộc xây dựng NTM, đô thị văn minh; nâng cao tiêu chí đạt chuẩn NTM, phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM năm 2017; duy trì phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp chuyên canh, chất lượng cao. Về xây dựng NTM, cần rà soát, nâng cao tiêu chí NTM sáng - xanh - sạch - đẹp, giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng NTM kiểu mẫu, nâng cao thu nhập cho nông dân... Rà soát lại xây dựng NTM với xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và chỉ đạo kiện toàn bổ sung kịp thời đội ngũ cán bộ.
Về kiến nghị của huyện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ khó khăn cho huyện để đẩy nhanh tiến độ các dự án; giải quyết các tồn tại liên quan đến tiêu thoát nước, cấp nước sạch, môi trường... Giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp cùng các sở liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; mở rộng vùng sản xuất rau an toàn; xây dựng các quy hoạch hành lang thoát lũ; có giải pháp cho phát triển sản xuất, phòng chống cháy nổ, phòng chống lụt bão; giao Sở Tài chính phối hợp với các sở giải quyết các chính sách liên quan đến đất dịch vụ...; giao Văn phòng điều phối NTM Hà Nội tập hợp những kiến nghị, báo cáo thành phố để tháo gỡ khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.