Sau khi kiểm tra, khảo sát thực tế tại Thủy điện Sông Tranh 2, các bên liên quan đều bày tỏ lo ngại mặc dù chủ đầu tư đã tiến hành thu gom nước thấm qua khe nhiệt về các hành lang thu nước, tuy nhiên lưu lượng thấm còn lớn, mặt bê tông còn ẩm ướt.
Sáng ngày 18/4, thân đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn còn ẩm ướt - Ảnh: VGP |
Tham gia đoàn công tác có các ông Nguyễn Đức Hải, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Phước Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cùng lãnh đạo các Sở, ngành liên quan, lãnh đạo UBND huyện Bắc Trà My, Ban quản lý Dự án thủy diện 3.
Ông Trần Văn Hải, Trưởng Ban Quản lý Dự án thủy điện 3, cho biết Thủy điện Sông Tranh 2 có kết cấu đập 30 khe nhiệt từ thượng lưu về hạ lưu, được chia 41 khối bê tông, kết cấu bê tông trọng lực RCC, tổng khối lượng thân đập là 1.032.000 m khối.
Đầu tháng 2/2012, xuất hiện dòng thấm ra bề mặt bê tông hạ lưu ở 6 khe nhiệt với lưu lượng thấm 30 lít/giây. Đến thời điểm này không phát hiện vết nứt bất thường ở thân đập, mực nước hồ thủy điện đang ở cao trình 155m.
Kết quả khảo sát mới đây cũng cho thấy, tổng bề mặt 10 khe nhiệt có độ hở từ 0,1 - 0,6cm ở mặt thượng lưu thân đập, tại các khe nhiệt này hiện lưu lượng thấm chiếm 87%/tổng lượng nước thấm qua thân đập.
Sau khi kiểm tra, khảo sát thực tế tại Thủy điện Sông Tranh 2, các bên liên quan đều bày tỏ lo ngại mặc dù chủ đầu tư đã tiến hành thu gom nước thấm qua khe nhiệt về các hành lang thu nước, tuy nhiên lưu lượng thấm còn lớn, mặt bê tông còn ẩm ướt.
Ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam lo ngại, về lâu dài việc nước thấm qua khe nhiệt với lưu lượng lớn như thế này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bê tông.
Kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn, Chánh văn phòng Ban PCLB tỉnh Quảng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam, đặt ra vấn đề hiện lưu lượng nước thấm qua thân đập là 75 lít/s có trong mức cho phép hay không.
Ông Tuấn so sánh, thân đập Thủy điện A Vương có bề dầy bê tông bằng 1/3 đập Thủy điện Sông Tranh 2, lưu lượng thấm qua thân đập chỉ có 1,3 lít/s, là rất nhỏ nhưng tại Thủy điện Sông Tranh 2 lượng nước thấm qua thân đập lên đến 75 lít/s.
Trả lời các câu hỏi liên quan của đoàn công tác và báo chí đặt ra, ông Trần Văn Hải, Trưởng Ban Quản lý Dự án thủy điện 3, cho biết lượng nước thấm qua thân đập 30 lít/s được thông báo trước đây là do ước lượng. Còn số liệu lưu lượng nước thấm qua thân đập 75 lít/s mới đo được là con số chính xác.
Theo ông Hải, so với các đập bê tông trọng lực khác ở Việt Nam thì lưu lượng nước thấm qua thân đập Thủy điện Sông Tranh 2 nằm ở mức trung bình. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là việc khắc phục rò rỉ ở dưới nước, vì vậy Tập đoàn Điện lực Việt Nam thống nhất thuê chuyên gia nước ngoài để xử lý vấn đề này.
Tại cuộc họp này, ông Trần Văn Hải, cũng cho biết phương án xử lý chống thấm mới nhất được chọn hiện nay là dán khe nhiệt ở mặt thượng lưu thân đập bằng tấm “SR” kết hợp với bơm keo Polyurethan.
Cụ thể, tiến hành bịt kín triệt để các điểm đã bị rò rỉ trên và dưới mặt nước và các điểm có khả năng rò rỉ ở phần thượng lưu đập, tiến hành đào rãnh trên khe, khoan lỗ phun xuyên khe, chôn sẵn ống phụt, và bịt kín lại rãnh đó. Sau khi chôn sẵn và bịt kín tiến hành khoan, phun hóa học, bơm keo Polyurethan, đồng thời dính chặt tấm nắp chống thấm SR lên bề mặt khe ở phía thượng lựu thân đập.
Giải pháp này sử dụng công nghệ được Bộ Công Thương, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình và Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông qua.
Ban Quản lý Dự ánThủy điện 3 cam kết sẽ xử lý triệt để việc chống thấm ở Thủy điện Sông Tranh 2 trước mùa lũ năm 2012 (tức là đến ngày 31/8/2012). Bên cạnh đó, Ban Quản lý đang chuẩn bị một giải pháp khác để thay thế nếu giải pháp trên không phù hợp.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, việc Thủy điện Sông Tranh 2 để xảy ra rò rỉ nước là vấn đề hết sức quan trọng, liên quan đến tài sản và tính mạng của nhân dân.
Ông Lê Phước Thanh đề nghị các bên liên quan cần phải xác định lại chất lượng công trình, xác định việc lượng thấm qua công trình vơi lưu lượng như thế nào đảm bảo hay chưa. Cần phải tính toán được khối lượng thấm qua thân đập.
Trên cơ sở giải pháp xử lý chống thấm do chủ đầu tư đưa ra hôm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu, Ban Quản lý Dự án Thủy điện 3 phải đảm bảo tiến độ xử lý chống thấm ở thân đập theo quy định. Chủ đầu tư cần phối hợp với địa phương để lắp đặt các máy quan trắc trong thời gian sớm để đo đạc, thu thập số liệu về động đất; xây dựng phương án di dời nhân dân khi có tình huống xấu xảy ra; nếu trước mùa mưa bão năm nay, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan không khắc phục xong sự cố thì tỉnh sẽ để nghị Chính phủ không cho tích nước nhằm đảm bảo an toàn; xử lý dứt điểm về vấn đề tái định cư cho người dân trong thời gian sớm nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.