Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát thủ tục hành chính hiệu quả: Công khai, minh bạch, dễ thực hiện

Phong Thu| 13/01/2023 06:11

(HNM) - Năm 2022, toàn thành phố Hà Nội đã giải quyết 3.718.646/3.749.210 hồ sơ, trong đó tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn, đúng hạn đạt 99,8%. Kết quả này phản ánh việc các đơn vị đã xác định đúng tầm quan trọng của công tác kiểm soát thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện thủ tục hành chính.

Hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận “một cửa” của UBND huyện Thanh Trì. Ảnh: Nguyễn Quang

Coi trọng sáng kiến cải cách

Tính đến tháng 12-2022, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố trong năm vừa qua là 1.891 thủ tục hành chính. Trong đó, cấp sở, cơ quan tương đương sở là 1.510 thủ tục, cấp huyện là 269, cấp xã là 112. Toàn bộ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”.

Năm qua, Hà Nội đặc biệt quan tâm công tác kiểm soát thủ tục hành chính và đã có nhiều hoạt động thiết thực. Chủ tịch UBND thành phố đã ký ban hành 32 quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực: Khoa học và công nghệ, lao động - thương binh và xã hội, thông tin và truyền thông, xây dựng, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngoại vụ… Trong đó, công bố danh mục 652 thủ tục, thay thế 54 thủ tục, bãi bỏ 672 thủ tục hành chính.

Chủ tịch UBND thành phố cũng đã ký ban hành 5 quyết định về việc thông qua phương án đơn giản hóa 57 thủ tục hành chính, thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Giao thông - Vận tải, Khoa học và Công nghệ.

Cùng với đó, các đơn vị luôn chú trọng việc nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức mà vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả công việc. Tiêu biểu như UBND huyện Hoài Đức triển khai thí điểm và thí điểm mở rộng mô hình “Ngày thứ 6 xanh” đạt hiệu quả rõ nét khi đã rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh từ 3 ngày làm việc còn 60 phút trong ngày thứ sáu. Tương tự, UBND huyện Thạch Thất với mô hình “Thủ tục hành chính không hẹn tại UBND cấp xã” để giải quyết và trả kết quả chứng thực, cấp bản sao hộ tịch, đăng ký kết hôn ngay cho người dân…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh, mô hình “Ngày thứ 6 xanh” xuất phát từ việc thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Sau khi thực hiện thí điểm mô hình, 20/20 xã, thị trấn đều có văn bản gửi UBND huyện đề nghị triển khai chính thức một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã theo mô hình “Ngày thứ 6 xanh”. Việc này đã góp phần để năm 2022, trên địa bàn huyện 100% hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả trước hạn và đúng hạn.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh: Hiền Chi

Đẩy mạnh thực hiện trên môi trường điện tử

Thực hiện nhiệm vụ tích hợp thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công quốc gia, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định về việc phê duyệt danh mục các thủ tục hành chính lựa chọn tái cấu trúc xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022, trong đó phê duyệt 928 thủ tục hành chính được lựa chọn tái cấu trúc, xây dựng dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, Chủ tịch UBND thành phố đã phê duyệt phương án tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính lĩnh vực: Nội vụ, giao thông vận tải, quy hoạch và kiến trúc, khoa học và công nghệ, xây dựng, thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo, để xây dựng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Để việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử hiệu quả, Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng UBND thành phố Hà Nội) đã có hướng dẫn nghiệp vụ việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực và số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại các đơn vị.

Chia sẻ về tình hình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long cho biết, việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử tuân thủ đúng quy trình, quy định, rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong từng quy trình tiếp nhận, giải quyết. Hiện tại, bộ phận “một cửa” của các phường và quận Nam Từ Liêm đã thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang được quản lý, lưu trữ bằng văn bản giấy sang dữ liệu điện tử để tích hợp, chia sẻ, khai thác, không yêu cầu tổ chức, cá nhân khai, nộp lại những dữ liệu mà cơ quan thực hiện thủ tục hành chính đang quản lý hoặc đã được cơ quan nhà nước khác sẵn sàng chia sẻ.

Từ thực tế triển khai công tác kiểm soát thủ tục hành chính, các đơn vị cũng nêu một số vướng mắc như: Việc xử lý hồ sơ thủ tục hành chính trên Hệ thống dịch vụ công của thành phố còn báo có hồ sơ trễ hạn do hệ thống xử lý chậm (thực tế kết quả bản giấy đã được trả cho công dân trước hạn); căn cứ pháp luật làm căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính thường xuyên thay đổi, dẫn đến số lượng các thủ tục sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới khá nhiều.

Ở góc độ người dân, chị Vũ Thu Hà (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) cho rằng: “Danh mục thủ tục đã được công bố liên tục, có chỉnh sửa bổ sung chứ không có tính chất thay thế và các thủ tục hành chính hiện nay đang nằm ở nhiều quyết định công bố khác nhau nên đôi khi người dân còn gặp khó khăn khi tìm kiếm, tra cứu...”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát thủ tục hành chính hiệu quả: Công khai, minh bạch, dễ thực hiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.