(HNM) - Trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở.
Theo đó, 7 loại hợp đồng giao dịch nhà ở như: hợp đồng mua bán; đổi; tặng, cho; thế chấp; thuê mua; thuê nhà ở của tổ chức có chức năng kinh doanh bất động sản và thuê nhà ở của cá nhân, tổ chức có thời hạn cho thuê dưới 6 tháng thì không bắt buộc phải qua công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, nếu chỉ cắt khâu công chứng hợp đồng thì người dân có bớt được phiền hà trong các giao dịch nhà đất vốn có nhiều phiền phức?
Công chứng viên Vương Trọng Thế (Văn phòng Công chứng Hoàng Cầu, quận Đống Đa):
Công chứng không phải thủ tục hành chính
Công chứng không phải thủ tục hành chính. Kể từ khi xã hội hóa hoạt động công chứng, Văn phòng Công chứng không còn là cơ quan hành chính nhà nước mà chỉ là đơn vị được Nhà nước giao quyền hỗ trợ hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm tính hợp pháp, tính xác thực của các giao dịch. Văn phòng Công chứng và công chứng viên không thể kiểm tra Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, di chúc, bản án... có được cấp, lập hợp pháp, đúng trình tự hay không mà chỉ có thể căn cứ trên những giấy tờ (đã được cơ quan có thẩm quyền cấp) do các bên thực hiện giao dịch cung cấp để xác định giao dịch được thiết lập liên quan đến nhà, đất đó có hợp pháp hay không, qua đó có thể tư vấn cho các bên tham gia thực hiện giao dịch một cách hợp pháp, giảm nguy cơ xảy ra tranh chấp. Hiện nay, các quy định về thủ tục xác nhận, cấp giấy chứng nhận... cho các giao dịch liên quan đến nhà, đất ở các quận, huyện, thị xã rất khác nhau. Trong khi đó, cán bộ tại bộ phận "một cửa" của các cơ quan này lại không chuyên về lĩnh vực nhà, đất, do vậy không thể thực hiện chức năng tư vấn cho những người tham gia giao dịch. Khi không còn là thủ tục hành chính bắt buộc, tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch vẫn sẽ cần đến sự hỗ trợ của nghiệp vụ công chứng như một dịch vụ để bảo đảm tính hợp pháp cho các hợp đồng của mình, tránh rủi ro về sau.
Người dân làm chứng thực tại Phòng Công chứng số 4 thành phố Hà Nội. Ảnh: Khánh Nguyên |
Ông Trương Hoài Nam (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình):
Bỏ thủ tục công chứng thôi thì chưa đủ
Tôi đã từng chuyển nhượng quyền sử dụng đất do gia đình chia cho và mua một căn nhà. Cả hai lần thực hiện thủ tục chuyển nhượng và mua nhà ở, tôi đều đến một văn phòng công chứng để được tư vấn về thủ tục, giấy tờ và được thực hiện rất nhanh chóng, thuận tiện. Tuy nhiên, đến khi thực hiện các bước tiếp theo như nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký nhà đất các quận, huyện, thị xã xin xác nhận, đo vẽ... thì rất phiền hà, mất nhiều thời gian mà không có thời hạn hoàn thành rõ ràng. Không bắt buộc công chứng sẽ giảm được một khoản phí cũng như quy trình cho người thực hiện các giao dịch mua bán, thuê mua... nhà ở nhưng nếu thiếu sự đơn giản hóa một số thủ tục hành chính còn lại thì người dân vẫn gặp khó khăn.
Bà Hoàng Thị Nga (Văn phòng Giao dịch bất động sản tại phường Giang Biên, quận Long Biên):
Quản lý chặt những người thực hiện hành vi hành chính
Theo quy định của pháp luật, công chứng viên phải chịu trách nhiệm pháp lý liên quan đến tính xác thực của các giao dịch mà mình công chứng. Trong khi đó, công chức nhà nước thực hiện các thủ tục liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở nếu có làm chậm trễ thì lại không phải chịu trách nhiệm rõ ràng chỉ cần đổ lỗi "quá tải" là xong. Sự dễ dãi này có thể là cơ hội cho công chức hành chính hành dân để trục lợi, làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trên thực tế, việc thực hiện các giao dịch liên quan đến nhà, đất thường khó khăn về vướng thủ tục hành chính, tiềm ẩn rủi ro. Trong các giao dịch này luôn tồn tại một bộ phận trung gian, hay còn gọi là "cò" mà chúng ta chưa xóa bỏ được. Do vậy, cải cách thủ tục hành chính phải gắn liền với tăng cường quản lý chặt chẽ con người thực hiện hành vi hành chính thì mới hiệu quả.
Luật sư Đỗ Tiến Đạt (Công ty Luật Basico):
Nên bỏ quy định hợp đồng giao dịch bất động sản phải có công chứng
Hiện tại, số bất động sản được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở chiếm tỉ lệ không cao. Ở nhiều khu chung cư, khu đô thị mới..., "sổ hồng" còn chưa phủ kín. Trong khi đó, nhu cầu mua bán, trao đổi, thuê, mượn nhà ở luôn sôi động. Theo quy định, một trong những giấy tờ bắt buộc phải có khi thực hiện thủ tục công chứng một hợp đồng giao dịch bất động sản là "Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở". Nếu pháp luật quy định mọi hợp đồng liên quan đến nhà ở, đất đai phải qua công chứng thì một phần lớn giao dịch không bảo đảm điều kiện "sổ đỏ", sẽ không thể thực hiện được, tạo ra những giao dịch vi phạm về hình thức hợp đồng. Đây cũng chính là kẽ hở mà một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để lật lọng trong các quan hệ mua - bán. Khi đó, bên trục lợi chỉ cần đưa hợp đồng ra Tòa án là được hủy giao dịch với lý do vi phạm về mặt hình thức. Theo tôi, nên bỏ quy định hình thức hợp đồng phải có công chứng để kiểm soát tốt hơn thị trường bất động sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.