(HNMO) - Tại Chỉ thị số 06-CT/TU về "Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố" ban hành ngày 1-9, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo xây dựng phương án phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 trên địa bàn thành phố theo phương châm siết chặt hơn, áp dụng một số biện pháp cao hơn đối với những khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, khu vực "vùng đỏ", "vùng da cam".
Đối với khu vực "vùng xanh", giao cho đồng chí Bí thư cấp ủy và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt từng phương án để tổ chức sản xuất kinh doanh, hỗ trợ sản xuất hàng hóa cho khu vực "vùng đỏ, "vùng da cam", bảo đảm khoa học, chặt chẽ, phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới vào ngày 2-9, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, việc xây dựng phương án phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 nêu trên là hoàn toàn phù hợp với diễn biến dịch Covid-19 hiện nay trên địa bàn Thủ đô.
- Xin bà cho biết kết quả sau hơn một tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố?
- Kể từ ngày 24-7, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua ý kiến đánh giá của các chuyên gia cũng như diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố cho thấy, đây là một quyết định đúng đắn, chính xác và rất kịp thời. Bởi, khi áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg, thành phố đã đặt ra mục tiêu, hạn chế dịch bệnh từ các địa phương khác vào thành phố và đặc biệt là tranh thủ thời gian giãn cách giảm tốc độ lây truyền của dịch bệnh. Thời gian qua, thành phố đã tập trung các nguồn lực để bóc tách nguồn bệnh ra khỏi cộng đồng. Nếu không thực hiện giãn cách thì tình hình dịch trên địa bàn thành phố có thể đã diễn biến phức tạp, khó lường hơn. Tuy nhiên, ở một số nơi, như: Phường Văn Chương, phường Văn Miếu (quận Đống Đa), Kim Đồng (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai)..., nhất là ở phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), tỷ lệ người nhiễm tương đối cao. Những ngày gần đây, tại những "điểm nóng" này vẫn liên tục phát hiện những ca dương tính mới.
- Vậy, theo bà, nguyên nhân do đâu khiến tình hình dịch bệnh ở những khu vực này, nhất là phường Thanh Xuân Trung, trở nên phức tạp?
- Thời gian qua, nhờ việc triển khai giám sát dịch tại cộng đồng, Hà Nội đã phát hiện các ca dương tính tại những địa bàn này. Tại những khu vực được đánh giá là "điểm nóng" về dịch bệnh, trong đó có phường Thanh Xuân Trung (tập trung chủ yếu ở ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi) đều có đặc điểm chung là mật độ dân cư cao, địa bàn "hình xương cá", các ngõ ngách đều có sự liên thông với nhau, thậm chí, có nhiều hộ gia đình còn sử dụng chung nhà vệ sinh..., nên nguy cơ bùng phát dịch lớn. Chưa kể, ý thức người dân không phải tất cả đều tốt. Nếu chưa lường hết được sự nguy hiểm của chủng vi rút Delta, người dân vẫn giao tiếp, vẫn gặp gỡ, dịch có thể lan ra rất nhanh.
- Thành phố cần tiếp tục triển khai những biện pháp gì để kiểm soát dịch bệnh, thưa bà?
- Hiện, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn trong tầm kiểm soát, song vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ khó lường. Tại Chỉ thị số 06-CT/TU về "Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố" ban hành ngày 1-9, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng phương án phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 theo phương châm siết chặt hơn, áp dụng một số biện pháp cao hơn đối với những khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, khu vực "vùng đỏ", "vùng da cam". Đối với khu vực "vùng xanh", giao cho đồng chí Bí thư cấp ủy và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt từng phương án để tổ chức sản xuất kinh doanh, hỗ trợ sản xuất hàng hóa cho khu vực "vùng đỏ, "vùng da cam", bảo đảm khoa học, chặt chẽ, phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Chỉ thị này được đưa ra dựa trên đánh giá nguy cơ về mặt dịch tễ, qua công tác giám sát dịch và theo đề xuất của các ngành: Y tế, Công an, Quân đội, Công Thương... làm sao cho phù hợp nhất để bảo đảm người dân ở "vùng xanh" vẫn có thể sản xuất, kinh doanh; còn tại những vùng nguy cơ, như "vùng đỏ", "vùng cam" tiếp tục được giám sát dịch một cách chặt chẽ, triệt để. Tới đây, thành phố tiếp tục thực hiện việc sàng lọc, giám sát dịch tại những địa bàn nguy cơ cao ở các quận vùng lõi nội đô, như: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng...
Những ngày nghỉ lễ, bắt đầu từ ngày 2-9 cũng là thời điểm quan trọng để Hà Nội thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm diện rộng sàng lọc và đẩy mạnh tiêm chủng. Tại những vùng nguy cơ cao, khu vực phong tỏa và khu vực cách ly, Hà Nội sẽ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 2 đến 3 ngày/lần. Còn tại những khu vực vùng nguy cơ, Hà Nội sẽ thực hiện lấy mẫu từ 5 đến 7 ngày/lần. Ở những khu vực khác, chính quyền địa phương có nhiệm vụ đánh giá nơi có nguy cơ trên địa bàn để đưa ra đề xuất triển khai thực hiện lấy mẫu xét nghiệm.
- Cùng với việc lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 tiếp tục được thành phố đẩy mạnh như thế nào, nhất là ở những vùng nguy cơ cao, thưa bà?
- Trên cơ sở kế hoạch của UBND thành phố, chúng tôi sẽ phân bổ vắc xin đến các quận, huyện, thị xã và khi tiếp nhận vắc xin, các địa phương phải tổ chức tiêm chủng nhanh nhất, không giới hạn số lượng người đến tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng. Đồng thời, các điểm tiêm cố gắng kéo dài thời gian tiêm chủng trong ngày để nhiều người được tiếp cận vắc xin một cách sớm nhất, nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn tiêm chủng.
Trong giai đoạn hiện nay, quan điểm về việc phân bổ vắc xin có những thay đổi so với những giai đoạn trước, tập trung vào 5 nhóm đối tượng: Người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian để tiêm mũi 2; người làm trong các chuỗi cung ứng dịch vụ thiết yếu; người trong nhóm nguy cơ, người sinh sống tại "vùng đỏ"; công nhân tại khu công nghiệp; người tham gia chống dịch. Đặc biệt, ở những vùng nguy cơ cao, khu vực phong tỏa, cách ly sẽ được phân bổ vắc xin nhiều hơn để bảo đảm điều kiện cho người dân ở những nơi này được tiếp cận với vắc xin một cách sớm nhất. Hơn nữa, thành phố cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã ưu tiên tiêm chủng cho 3 đối tượng: Người mắc bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi và phụ nữ đang mang thai trên 13 tuần.
- Muốn đẩy lùi được dịch bệnh rất cần sự góp sức của mỗi người dân. Theo bà, người dân cần tiếp tục thực hiện những gì?
- Người dân sau khi được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh vẫn phải bảo đảm tuân thủ "5K", nhất là hạn chế tiếp xúc. Bởi, trên thực tế, sau khi tiêm vắc xin vẫn có thể bị nhiễm vi rút. Ngoài ra, người dân cần nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống dịch. Khi có biểu hiện, triệu chứng nghi nhiễm bệnh, người dân cần chủ động khai báo y tế, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời. Cùng với đó, khi phát hiện những hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch, cần báo ngay cho chính quyền địa phương để xử lý kịp thời, tránh lây lan trong cộng đồng. Đặc biệt, khi phát hiện những người đi, đến, ở những vùng có dịch về địa phương, cần phải khai báo kịp thời với tổ Covid-19 cộng đồng và chính quyền địa phương. Từ đó, nhanh chóng đưa người đó đi xét nghiệm sàng lọc, cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.