Góc nhìn

Kiểm soát chặt rượu không rõ nguồn gốc

Gia Khánh 25/12/2024 - 06:36

Bộ Y tế vừa cảnh báo, thời gian qua đã có nhiều người ngộ độc rượu phải nhập viện cấp cứu, trong đó có trường hợp tử vong. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân có thể là do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, thậm chí là rượu pha chế từ cồn công nghiệp. Qua xét nghiệm từ một số vụ ngộ độc cho thấy có hàm lượng methanol (cồn công nghiệp) trong các mẫu rượu.

Ngộ độc rượu thường xảy ra khi uống quá nhiều trong thời gian ngắn hoặc uống rượu có độc chất methanol. Gan không kịp đào thải dẫn đến tổn thương, từ đó có biến chứng nguy hiểm khác. Rượu methanol dễ gây ngộ độc hơn vì chuyển hóa của methanol là acid formic rất độc.

Ngộ độc do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc và hậu quả của nó đã được cơ quan chức năng cảnh báo rất nhiều. Thậm chí có cả những đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu sau khi xảy ra những vụ ngộ độc nghiêm trọng. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xử lý rất nhiều trường hợp sản xuất, kinh doanh rượu không bảo đảm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, thu giữ không ít rượu không nhãn mác, rượu ngâm các loại động, thực vật không rõ nguồn gốc…

Công bằng mà nói, sau các đợt kiểm tra, xử lý kết hợp với vận động, tuyên truyền, ý thức của cả người kinh doanh và sử dụng rượu có những thay đổi tích cực, số vụ ngộ độc do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc nhờ vậy đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, giải quyết triệt để tình trạng này thì chưa, và càng vào dịp cuối năm, lễ, Tết số vụ ngộ độc càng tăng. Nguyên nhân là do rượu nấu, chưng cất thủ công khá đơn giản, giá thành lại rẻ. Đây cũng là loại đồ uống phổ biến trong đời sống, nhiều người sử dụng, nhưng khó phân biệt được bằng cảm quan loại nào có độc, loại nào không. Cùng với đó, không ít người chưa thực sự ý thức được tác hại của rượu nói chung và rượu không rõ nguồn gốc nói riêng nên thường uống quá mức.

Vì vậy, cùng với việc cảnh báo tác hại của rượu và ngộ độc rượu, cần thiết phải có các đợt ra quân kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này, trước hết tập trung vào các điểm kinh doanh rượu, bia, cửa hàng tạp hóa, nhà hàng, quán ăn, khu vực làng nghề có nhiều cơ sở sản xuất rượu. Trước đây, qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã yêu cầu nhiều cơ sở phải đăng ký kinh doanh, có nhãn mác sản phẩm, cam kết tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm…; nay cần rà soát lại, lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên để kiểm soát chất lượng sản phẩm. Việc kiểm tra, kiểm soát cũng cần được áp dụng với nhà hàng, quán ăn và việc lấy mẫu kiểm tra chất lượng nên làm thường xuyên, vừa là cách giúp cơ sở dịch vụ kiểm soát sản phẩm nhập về kinh doanh, vừa là cách tuyên truyền để cơ sở nâng cao ý thức bảo vệ người tiêu dùng.

Ngoài việc kiểm tra, các cảnh báo của cơ quan chức năng về tác hại của rượu hay ngộ độc rượu cần phải đến với đông đảo người dân, dưới nhiều hình thức khác nhau. Có thể là yêu cầu cơ sở kinh doanh phải dán cảnh báo tại địa điểm kinh doanh cùng với giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký kinh doanh. Thậm chí, cảnh báo ngộ độc rượu nên được dán trên bao bì, cùng với nhãn mác sản phẩm, giống như cảnh báo tác hại của thuốc lá. Cùng với đó, cơ quan chức năng có thể sử dụng hệ thống phát thanh phường, xã để thông tin đến người dân thường xuyên.

Cuối cùng, người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình bằng cách chọn sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng để sử dụng. Uống vừa đủ, không nên quá đà, bởi không chỉ ngộ độc, rượu còn dẫn đến mất kiểm soát hành vi và là nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát chặt rượu không rõ nguồn gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.