(HNM) - Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai mô hình cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm trong hệ thống ngành Y tế từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn nhằm kiểm soát các mối nguy cơ ô nhiễm thực phẩm. Việc tiếp nhận, xử lý các sự cố về an toàn thực phẩm kịp thời đã góp phần tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực này trên toàn thành phố.
Xử phạt vi phạm hơn 7,4 tỷ đồng
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 9 tháng năm 2019, toàn thành phố có 651 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra hơn 83 nghìn lượt cơ sở, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 1.710 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm và xử phạt hành chính với số tiền hơn 7,4 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2018, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra tăng hơn 26 nghìn cơ sở và số tiền phạt cũng tăng hơn 2,6 tỷ đồng.
Ngoài việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, thành phố đang duy trì hiệu quả hoạt động các điểm cảnh báo an toàn thực phẩm trong hệ thống ngành Y tế từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Qua đó, tiếp nhận, xử lý sự cố về an toàn thực phẩm kịp thời, hiệu quả và cảnh báo nhanh cho cộng đồng. Cụ thể, thời gian qua, thành phố đã tiếp nhận 59 thông tin phản ánh về vi phạm an toàn thực phẩm, qua kiểm tra có 25 thông tin đúng như phản ánh. Kết quả, cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm gần 150 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 9 cơ sở.
Bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, điểm cảnh báo trung tâm (cấp 1) tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Thanh tra Sở Y tế Hà Nội; điểm cảnh báo cấp 2 tại UBND quận, huyện, thị xã do phòng y tế quận, huyện, thị xã thường trực và điểm cảnh báo cấp 3 tại UBND xã, phường, thị trấn do trạm y tế thường trực. Các điểm cảnh báo tổ chức tiếp nhận toàn bộ thông tin sự cố về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Từ đó, căn cứ vào tính chất và mức độ, quy mô ảnh hưởng của thông tin sự cố đề xuất phương án xử lý hoặc chuyển thông tin đến các đơn vị liên quan để xử lý và cảnh báo cho cộng đồng. “Sự phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị liên quan, các đoàn thể, cụm dân cư về tiếp nhận thông tin và phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nên thời gian qua, các vụ việc bức xúc phản ánh về các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm được xử lý nhanh, hiệu quả”, bà Hoàng Thị Minh Thu nói.
Dù vậy, trong quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, đôi khi chi cục nhận được những nguồn tin không chính xác làm loãng thông tin. Hơn nữa, một số thông tin và người phản ánh không rõ địa chỉ, không trao đổi được thông tin hai chiều. Hệ thống sổ sách ghi chép tại các điểm cảnh báo nhanh còn chưa đầy đủ. Việc kết nối thông tin giữa các điểm cảnh báo đôi lúc chưa chặt chẽ. Mặt khác, người dân chưa mạnh dạn trong khai báo, đấu tranh với hành vi vi phạm. Do đó, việc phát hiện, khai báo cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm để cơ quan chức năng đi kiểm tra đột xuất còn hạn chế.
Cần có ý thức, trách nhiệm của ba bên
Cùng với mô hình cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm, để ngăn chặn ngộ độc thực phẩm và nguy cơ bệnh tật do thực phẩm không bảo đảm an toàn, nhiễm hóa chất, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm, như: Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát; xây dựng chuỗi liên kết an toàn thực phẩm; mô hình quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành. Bước đầu các mô hình này đã phát huy hiệu quả, góp phần cung cấp thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để phát huy hiệu quả những mô hình cảnh báo nhanh, kiểm soát về an toàn thực phẩm cần có ý thức, trách nhiệm của cả ba bên, gồm cơ quan quản lý, hộ kinh doanh, người tiêu dùng. Trong đó, cơ quan quản lý phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tăng cường thanh tra, kiểm tra kịp thời, xử nghiêm vi phạm. Cùng với đó, các điểm cảnh báo nhanh tại các quận, huyện, xã, phường cần thường xuyên trao đổi thông tin cho nhau, từ đó phối hợp hiệu quả trong việc ngăn chặn kịp thời thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường tới tay người tiêu dùng.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố tiếp tục được tăng cường. Song song với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, việc triển khai các biện pháp quản lý, giám sát an toàn thực phẩm, việc tuyên truyền để người dân nhận thức, nói không với thực phẩm bẩn cũng rất quan trọng. Người dân cần kiên quyết tẩy chay, không mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bước chân vào những quán hàng mà cảm quan cho thấy không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Khi phát hiện cơ sở kinh doanh, sản xuất vi phạm về an toàn thực phẩm, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.