Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát an toàn thực phẩm từ gốc: Cần giải pháp mạnh, chuyên nghiệp hóa

Ngọc Quỳnh| 09/04/2018 06:24

(HNM) - Các tỉnh, thành phố đang đẩy mạnh xây dựng vùng nông sản an toàn nhằm kiểm soát nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tận gốc còn khó khăn...

Nhân viên Chi cục Thú y Hà Nội đóng dấu kiểm dịch sản phẩm gia cầm tại cơ sở giết mổ gia cầm sạch Việt Thái (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín). Ảnh: Vũ Sinh


Hạn chế trong nhận thức

Theo Bộ NN&PTNT, hiện các tỉnh đã triển khai vận động, hỗ trợ sản xuất nông sản, thủy sản theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP). Đến nay đã có 1.406 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP với diện tích khoảng hơn 18.200ha; khoảng 500 cơ sở nuôi thủy sản với 2.618ha được cấp chứng nhận VietGAP; hơn 26.000 hộ chăn nuôi và 300 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAP.

Bộ đã chỉ đạo các đơn vị hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn”. Hiện nay, cả nước xây dựng thành công 746 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn, trong đó 382 chuỗi đã được giám sát, xác nhận sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi...

Tuy nhiên, vấn đề giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ngay tại đồng ruộng còn khó khăn do nhiều nguyên nhân. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết: Hiện việc xử lý dứt điểm một số tồn tại còn chậm. Vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; khâu giết mổ chưa bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm...

Do vậy, chưa đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nguyên nhân chủ yếu là quy mô sản xuất của người dân nhỏ, tự phát, rất khó tập hợp để thực hành quy định về quản lý chất lượng. Bên cạnh đó, nhận thức của người tiêu dùng, người sản xuất, kinh doanh đối với chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn còn hạn chế... dẫn đến tình trạng thực phẩm không an toàn, kém chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung, hiện nay, Luật An toàn thực phẩm đã quy định rõ người sản xuất phải chịu trách nhiệm về thông tin nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Song người dân còn “mơ hồ” về khái niệm này, thông tin còn chung chung, chưa đầy đủ. Để thực hiện đúng quy định, người dân cần ghi chép nhật ký quá trình sản xuất, nguồn nhập vật tư "đầu vào" (từ công ty nào) đến gieo trồng, sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón... Tiếp đó là quá trình thu hoạch, sơ chế, chế biến... cũng cần thực hiện tương tự.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế ở các chợ dân sinh, chợ đầu mối, nông sản do thương lái nhập của các tỉnh, thành phố đều không có hóa đơn, chứng từ, hoặc có thì cũng chỉ là hóa đơn viết tay nên không đủ cơ sở để xác thực, truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Bà Nguyễn Thị Thảo, hộ trồng rau ở xã Kim An (huyện Thanh Oai) cho rằng "người dân vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống, diện tích nhỏ và bán tại chợ mà không ai yêu cầu về hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ nên hầu như các hộ sản xuất trên địa bàn xã đều không làm việc này"... Từ đó cho thấy, việc nâng cao nhận thức từ người dân là vấn đề cần thiết!

Cần chú trọng tuyên truyền

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, thời gian tới, cùng với việc xác nhận và quản lý tốt sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, ngành Nông nghiệp tập trung ngăn chặn, xử lý dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản; đồng thời, giảm thiểu vi phạm về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia, góp phần tạo nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đề nghị: Để đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn vệ sinh chất lượng nông, lâm, thủy sản, cần tăng cường quản lý ngay từ cấp xã. Trong đó, cần chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất an toàn, có nguồn gốc xuất xứ. Chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và hướng dẫn người dân sử dụng các loại thuốc sinh học, thảo mộc...

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, để nâng cao công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ gốc, các bộ, ngành cần tham mưu cho Chính phủ có cơ chế chính sách đủ mạnh để khuyến khích, động viên người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng và thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; phát triển các mô hình chuỗi chất lượng cao, an toàn thực phẩm.

Các tỉnh, thành phố cần xây dựng và triển khai các đề án phát triển vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt như: VietGAP, GlobalGAP gắn với phát triển hợp tác xã; hỗ trợ cơ sở chế biến, tiêu thụ ứng dụng công nghệ và hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến như ISO22000, HACCP... nhằm truy xuất được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm tiêu thụ trên thị trường, từng bước chuyên nghiệp hóa công tác kiểm soát an toàn thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát an toàn thực phẩm từ gốc: Cần giải pháp mạnh, chuyên nghiệp hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.