(HNM) - Chợ gia cầm Hà Vỹ, xã Lê Lợi (huyện Thường Tín) là chợ kinh doanh lớn nhất phía Bắc về gia cầm, trung bình mỗi ngày chợ tiêu thụ vài chục tấn gà, vịt nhập từ các tỉnh, thành phố. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế dịch cúm gia cầm phát sinh, thời gian qua, các ngành chức năng đẩy mạnh việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ các loại gia cầm bán tại chợ.
Theo ông Lê Thanh Bình, Trưởng ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ, hiện nay chợ có 161 hộ kinh doanh gia cầm, nhưng mới có 61 hộ có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn lại đều chưa đăng ký kinh doanh. Trung bình mỗi ngày chợ tiêu thụ 30-35 tấn gia cầm, ngày Tết có thể lên tới 40-45 tấn gia cầm. Để hạn chế dịch bệnh và bảo đảm an toàn thực phẩm, Ban Quản lý chợ ký hợp đồng với công ty vệ sinh môi trường chuyển toàn bộ rác thải thu gom 2 lần/ngày. Hằng tuần, chốt kiểm dịch động vật liên ngành của thành phố tổ chức phun thuốc sát trùng toàn bộ chợ; Ban Quản lý chợ thực hiện tổng vệ sinh khu vực chung và phun thuốc sát trùng toàn bộ chợ vào ngày 15 âm lịch hằng tháng. Đặc biệt, 100% gia cầm kinh doanh tại chợ đều được cán bộ thú y kiểm soát về vệ sinh thú y và nguồn gốc.
Ông Lê Văn Tuyến, hộ kinh doanh tại chợ cho biết: Hiện, giá gia cầm đã tăng trở lại nhưng vẫn thấp so với tháng 1-2020. Trung bình mỗi ngày cửa hàng bán 2-3 tấn gia cầm (gà, vịt) chủ yếu được nhập từ tỉnh Bắc Giang và một số huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các tiểu thương tại chợ đều chấp hành nghiêm các quy định của Ban Quản lý chợ, UBND xã Lê Lợi, UBND huyện Thường Tín, đồng thời cam kết bán hàng rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Xung quanh việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ gia cầm Hà Vỹ, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thường Tín Dương Xuân Tĩnh chia sẻ: Hằng ngày, Trạm phối hợp với Ban Quản lý chợ kiểm tra, giám sát, nhắc nhở các hộ kinh doanh bảo đảm các điều kiện về vệ sinh thú y, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; hướng dẫn các hộ mở sổ ghi chép, theo dõi lượng hàng hóa nhập - xuất. Tuy nhiên, một số ki ốt trong chợ thực hiện vệ sinh không thường xuyên, vẫn còn tình trạng lông gia cầm bám trên trần và tường; một số khu vực vệ sinh kém, bắt đầu xuống cấp, dễ phát sinh dịch bệnh.
Để tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát lưu ý: Ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ cần đầu tư cải tạo, sửa chữa các hạng mục xuống cấp trong chợ nhằm phục vụ tốt hơn hoạt động kinh doanh của tiểu thương. Cùng với đó là tăng cường công tác vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh, yêu cầu các hộ kinh doanh thực hiện tốt quy định để bảo đảm an toàn thực phẩm; kiểm tra, giám sát và quản lý, tuyên truyền phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh tại chợ, đặc biệt là nguồn gốc gia cầm, phòng, chống dịch bệnh, các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Uông Thị Phượng, để khắc phục những tồn tại trên, UBND huyện tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức, thay đổi nhận thức về an toàn thực phẩm cho các tiểu thương kinh doanh tại chợ; đồng thời, hướng dẫn về thực hành vệ sinh trong kinh doanh thực phẩm, tiêu chí, điều kiện, quy định, quy chuẩn bảo đảm an toàn thực phẩm cho các tiểu thương kinh doanh tại chợ. Ngoài ra, huyện phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh lấy mẫu giám sát, truy xuất nguồn gốc; xử lý và khắc phục triệt để các vi phạm về chất lượng an toàn thực phẩm tại chợ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.