Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội đẩy mạnh giám sát an toàn thực phẩm

Thu Trang| 09/06/2023 07:12

(HNM) - Trong 5 tháng đầu năm 2023, công tác quản lý an toàn thực phẩm, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm đã được ngành Y tế Hà Nội triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Qua đó, lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, từng bước nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh; đồng thời giúp người dân phòng tránh ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Đoàn kiểm tra Sở Y tế Hà Nội xét nghiệm nhanh mẫu bát đĩa tại một khách sạn trên địa bàn quận Ba Đình. Ảnh: Xuân Lộc

Phát hiện và xử lý 38 cơ sở vi phạm

Thành phố Hà Nội hiện có 76.807 cơ sở thực phẩm. Cùng với việc triển khai có hiệu quả, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và của thành phố về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm cũng tiếp tục được ngành Y tế Thủ đô tăng cường. Đặc biệt, tập trung kiểm tra hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Trong 5 tháng đầu năm nay, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức 3 đoàn thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm an toàn thực phẩm theo kế hoạch; 2 đoàn truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của 10 quận, huyện: Long Biên, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Đông Anh, Quốc Oai, Phúc Thọ, Ba Vì, Đan Phượng và truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả cung cấp cho các bếp ăn tập thể trường học. Đồng thời, Sở tổ chức các đoàn giám sát mô hình điểm về an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã. Kết quả, qua thanh tra, kiểm tra 206 cơ sở thực phẩm, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý vi phạm 38 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 578 triệu đồng.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, vệ sinh, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề “nóng” diễn ra hằng ngày, hằng giờ vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Vì vậy, thời gian qua, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm giảm thiểu nguy cơ về mất an toàn thực phẩm. Ngoài các cuộc kiểm tra định kỳ và đột xuất, công tác hậu kiểm cũng đã được tăng cường. Những hoạt động này nhằm kịp thời phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn, các cơ sở còn tồn tại các vi phạm, chưa tuân thủ đầy đủ quy trình chế biến.

Qua quá trình kiểm tra, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong đánh giá, các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm về cơ bản đã chấp hành nghiêm các quy định về Luật An toàn thực phẩm và các quy định về quá trình tham gia chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng phát hiện những cơ sở chưa thực hiện nghiêm các nguyên tắc vệ sinh, an toàn thực phẩm như: Chưa tuân thủ đầy đủ việc kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn; đeo đồ trang sức trong quá trình chế biến thực phẩm; người chế biến thực phẩm không kiểm tra sức khỏe định kỳ; khu vực sản xuất, chế biến không bảo đảm nguyên tắc một chiều; điều kiện vệ sinh thực tế không bảo đảm: Có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập… Tại thời điểm kiểm tra, các đoàn kiểm tra đã yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm, thậm chí đề nghị cơ sở phải tạm thời dừng hoạt động để khắc phục ngay những tồn tại.

Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức về an toàn thực phẩm theo các chuyên đề về bếp ăn tập thể trường học, bữa cỗ tập trung đông người… Bên cạnh đó, ngành Y tế thành phố cũng tiến hành đánh giá, thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời thẩm định kỹ năng điều tra ngộ độc thực phẩm và kỹ năng về tư vấn giám sát cho mạng lưới cộng tác viên an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh kiểm tra đột xuất, hậu kiểm

Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, từ nay đến cuối năm, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà thông tin, thành phố sẽ tiếp tục triển khai thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt, thành phố tập trung đẩy mạnh hậu kiểm cơ sở thực phẩm thuộc ngành Y tế quản lý, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định. Mặt khác, thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ các mô hình điểm về an toàn thực phẩm như: Tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát; kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người; bảo đảm an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…

Riêng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội sẽ chịu trách nhiệm tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện mô hình “Đánh giá thực trạng an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc đối với bếp ăn tập thể khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất năm 2023”. Đồng thời, Chi cục tiếp tục là cơ quan thường trực về các hoạt động điều tra, xử lý và phòng, chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cũng mong rằng, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền về công tác an toàn thực phẩm tại cơ sở, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm và cần thận trọng trong việc lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã cấp 226 giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, 8 giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm, cấp 576 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và tiếp nhận 2.004 bản tự công bố sản phẩm thuộc ngành Y tế quản lý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đẩy mạnh giám sát an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.