(HNM) - Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2021 giảm 0,62% và bình quân CPI 9 tháng năm nay chỉ tăng 1,82% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Đây chính là điều kiện thuận lợi giúp việc kiềm chế lạm phát "trong tầm tay", hiện thực hóa mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm 2021 dưới 4%.
Phân tích tình hình CPI tháng 9 cho thấy, có 5 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước, trong đó nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng và điện nước giảm tới 1,99% và làm cho CPI nói chung giảm 0,37 điểm do giá thuê nhà giảm mạnh bên cạnh việc giảm giá điện để hỗ trợ người dân theo chủ trương của Chính phủ. Tương tự, các nhóm giáo dục, giao thông, hàng ăn và dịch vụ ăn uống và bưu chính viễn thông cũng giảm và chính là yếu tố trực tiếp kéo giảm CPI của cả tháng 9.
Theo đánh giá của chuyên gia, dịch Covid-19 khiến nguồn thu nhập của đại bộ phận dân cư đều không tăng hoặc suy giảm so với trước trong khi nguồn cung, đặc biệt về lương thực và thực phẩm vẫn dồi dào là điều kiện thuận lợi để kiềm giữ lạm phát. Thêm vào đó, giãn cách xã hội cũng làm cho hoạt động du lịch, đi lại của người dân bị đình hoãn đồng thời làm giảm mức cầu về ăn uống, dịch vụ khách sạn, vui chơi giải trí nói chung.
Đáng lưu ý, từ nay đến hết năm sẽ có một số yếu tố, điều kiện có lợi cho việc thực hiện mục tiêu kiềm chế CPI tăng. Trước hết, Chính phủ tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp cũng như người dân được hưởng chi phí rẻ hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh; giúp giảm thiểu giá thành của thành phẩm khi ra thị trường. Mặt khác, nguồn cung các loại hàng thiết yếu vẫn đang ổn định, phong phú về chủng loại và đầy đủ về số lượng.
Mặt khác, theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cần có sự quan tâm thỏa đáng đến quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và khống chế việc tăng giá tiêu dùng một cách hài hòa để vừa duy trì được tăng trưởng, vừa ổn định đời sống dân sinh.
Nhìn chung, dư địa còn khá lớn bởi mức lạm phát trung bình của 9 tháng vẫn ở mức thấp (thấp hơn 2% - tức chưa bằng 50% giới hạn cho phép) như đề cập ở trên, tạo ra tình huống thuận lợi cho công tác điều hành. Trong khi đó, sức mua toàn xã hội khó có thể tăng mạnh bởi khả năng thanh toán chưa thể hồi phục như giai đoạn trước khi dịch xảy ra.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, nếu không có gì đột biến thì CPI cả năm cũng chỉ “rơi” vào khoảng 2,8-3%. Nhưng trong quý IV, với đặc điểm đời sống xã hội sẽ sôi động hơn, mức cầu tăng cao hơn khi có Tết Dương lịch và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Vì vậy, cơ quan chức năng, các địa phương cần làm tốt công tác quản lý thị trường, bảo đảm quan hệ cung - cầu lành mạnh để đáp ứng nhu cầu xã hội. Trong bối cảnh hiện nay không nên đặt nặng chỉ số CPI tăng bao nhiêu vì chắc chắn việc đạt mục tiêu sẽ "trong tầm tay", mà nên đánh giá người dân được hưởng bao nhiêu trong việc kiểm soát lạm phát.
Ngoài ra, một số loại hàng không thật cấp thiết sẽ không được tiêu thụ mạnh do ảnh hưởng của dịch và tâm lý tích trữ tài chính trong dân đang tăng lên.
Từ thực tiễn kể trên, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, bằng sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các ngành, các cấp đã tích cực triển khai những giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh và ổn định giá cả thị trường. Dự kiến, CPI cả năm 2021 sẽ nằm trong giới hạn cho phép...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.