Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiềm chế lạm phát

Người Quản Lý| 23/06/2011 06:56

(HNM) - Các chuyên gia cho rằng, bất ổn về tiền tệ và tài chính là nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng lạm phát. Ngoài ra, vấn đề tác động mặt trái cơ chế thị trường chưa được các ngành xử lý hiệu quả cũng dẫn đến mất cân bằng tiền - hàng, góp phần gia tăng lạm phát.


Một nguyên nhân khác là dòng vốn ngân sách phân bổ vào các loại hình DN (DN nhà nước, DN tư nhân và DN FDI) chưa hợp lý. Trong đó, DN nhà nước được ưu ái hơn, dù còn nhiều DN hoạt động chưa hiệu quả. Đó là chưa kể tình trạng ngành ngân hàng tạo ra các khoản "tín dụng theo quan hệ" để tài trợ cho các hoạt động mang tính đầu cơ cao, như bất động sản, chứng khoán... mà không đầu tư cho các hoạt động sản xuất có gia trị gia tăng cao. Cũng lý giải cho rằng, lạm phát ở nước ta tăng cao một phần do biến động từ sự tăng giá hàng hóa trên thế giới làm cho giá các mặt hàng cơ bản, yếu tố đầu vào sản xuất tăng lên. Chính sách độc quyền trên một số thị trường quan trọng như năng lượng đã làm "méo" hệ thống giá cả; việc duy trì quá lâu phương pháp quản lý hành chính với giá cả hàng hóa, như giá điện, xăng dầu... đã không phản ánh đúng quan hệ cung - cầu và chi phí sản xuất...

Trong khi phương pháp chống lạm phát như hiện nay là thắt chặt cung tiền, hạn chế đầu tư công... chỉ có tác dụng ngắn hạn. Nếu tiếp tục duy trì như hiện nay, dòng vốn sẽ không được sử dụng hiệu quả, tăng trưởng của nền kinh tế không tương xứng với vốn đầu tư, giá các hàng hóa cơ bản biến động bất thường sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế. Lạm phát sẽ quay trở lại khi chính sách tiền tệ và tài chính được nới lỏng.

Như vậy, để giải quyết bài toán kiềm chế lạm phát, chúng ta cần phát huy mặt tích cực của cơ chế thị trường. Các nguồn lực quan trọng như vốn, đất đai... phải được phân bổ công bằng và minh bạch, nhất là với DN nhà nước phải có những ràng buộc cụ thể trong việc sử dụng vốn để các DN này cạnh tranh theo thị trường. Ngành chức năng cũng cần kiểm soát "tín dụng theo quan hệ" giữa các ngân hàng và DN, từ đó hạn chế những đầu tư rủi ro, hướng dòng vốn đi vào các hoạt động sản xuất mang lại giá trị gia tăng. Ngoài ra, phải để giá cả hàng hóa vận hành theo quy luật cung - cầu của thị trường, trên cơ sở tạo điều kiện phát triển sản xuất và thương mại lành mạnh, có như vậy mới tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiềm chế lạm phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.