(HNM) - Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số CPI tháng 12-2014 giảm 0,24% so với tháng trước và chỉ tăng 1,84% so với cùng kỳ năm 2013. Kết quả này thấp hơn rất nhiều mức dự kiến mà Chính phủ đặt ra (khoảng 5%).
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 2 nhóm chỉ số giá giảm khá mạnh là: Nhà ở và vật liệu xây dựng (giảm 0,94%); giao thông (giảm 3,09%); có 4 nhóm hầu như tăng thấp gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 0,08%), thuốc và dịch vụ y tế - giáo dục (tăng 0,03%), văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 0,07%).
Dự kiến CPI tháng 1-2015 sẽ ở mức thấp.Ảnh: Như Ý |
Giải thích về nguyên nhân CPI giảm, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, CPI tháng 12 bị tác động mạnh do giá xăng, dầu trong nước điều chỉnh những đợt giảm giá trong tháng 11 và 12 nên chỉ số giá nhóm giao thông giảm mạnh, ở mức 3,09% và đóng góp 0,27% vào mức giảm chung của CPI. Bên cạnh đó, giá gas thế giới cũng giảm mạnh khiến giá gas bán lẻ trong nước được điều chỉnh giảm 13.000 đồng/bình từ ngày 1-12. Tính chung, CPI bình quân cả năm 2014 tăng 4,09% so với năm 2013. Thực tế này cho thấy, chỉ số CPI năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp tính trong khoảng 10 năm gần đây và bình quân CPI mỗi tháng chỉ tăng 0,15%.
Các chuyên gia cho rằng, như vậy mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra đã được thực hiện thành công, nhất là xét theo góc độ bảo đảm an sinh xã hội. Hầu hết hộ gia đình, đặc biệt là đối tượng hưởng lương đều được hưởng lợi từ thực tế CPI tăng thấp trong bối cảnh thu nhập không thay đổi. Mặt khác, khi CPI giữ được ở mức ổn định, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, giúp các DN giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm. Từ đó, DN có điều kiện thuận lợi để hồi phục. Ngoài ra, do CPI tăng thấp, người tiêu dùng càng có thêm sự lựa chọn trong giao dịch thương mại hàng ngày.
Một đặc điểm "lạ" của cả năm nay là nhóm lương thực và thực phẩm cũng chỉ tăng rất nhẹ, tháng này tăng lần lượt là 0,14 và 0,05%. Nguyên nhân là hoạt động nông nghiệp ổn định, năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi được bảo đảm. Từ đó, nhìn chung nguồn cung ra xã hội luôn dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ của các đối tượng, hộ gia đình cũng đã đến lúc "tới ngưỡng". Ngoài ra, đến thời điểm hiện tại, các hợp đồng xuất khẩu gạo của các đơn vị trong năm 2014 phần lớn đã hoàn tất và cũng chưa có hợp đồng xuất khẩu gạo mới. Vì vậy, quan hệ cung - cầu về gạo đang ở tình trạng an toàn, không thể xuất hiện yếu tố làm tăng giá gạo trong những tháng tới.
Dự báo về CPI trong tháng 1-2015, các chuyên gia nhận định, mặc dù tháng 1 là dịp kề cận Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 nhưng nhiều khả năng CPI sẽ giữ ở mức thấp. Đây sẽ là điều kiện tốt cho hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa. Thậm chí, nếu giá xăng dầu trên thị trường quốc tế tiếp tục lao dốc thì kịch bản CPI "chậm lớn" sẽ tiếp diễn trong vài tháng tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.