(HNM) - Nhà hát Kịch Việt Nam vừa cho ra mắt vở “Khát vọng” - tác phẩm đầu tay của đạo diễn, NSƯT Hoàng Lâm Tùng, dựng theo kịch bản của cố NSƯT Tạ Xuyên.
Truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông” được nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết từ 20 năm trước, là khởi nguồn cho kịch bản sân khấu “Khát vọng” của cố NSƯT Tạ Xuyên. Một gia đình chài lưới sống trên chiếc thuyền, vì mối hận không được chôn vợ trên đất liền mà ông bố - chủ gia đình đã bắt 4 người con cắt máu thề tuyệt giao với người trên bờ. Nhưng rồi, cuộc sống quẩn quanh trên thuyền khiến các thành viên trong gia đình họ cảm thấy bí bách, tù túng dẫn đến sinh sự với nhau. Cuối cùng, cô con gái út đã quyết định phá bỏ lời nguyền để bước lên bờ…
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói, đây là chuyện có thật đến 70%. Đề tài về đời sống người dân vạn chài, lại được viết từ rất lâu nhưng tấn bi kịch ấy đến nay vẫn còn ám ảnh nhiều người. Giờ đây, đạo diễn Lâm Tùng muốn đưa câu chuyện trở lại với sân khấu bởi sự khốc liệt của cuộc sống mưu sinh, khát vọng bước lên bờ ấy vẫn còn hiển hiện ở nhiều làng quê sông nước.
Ngay ở phần mở đầu, đạo diễn đã đưa người xem đến với nỗi thống khổ, sự dằn vặt của những người sống trên chiếc thuyền định mệnh. Ông bố, mỗi lần đến ngày giỗ vợ lại thêm uất ức, thù hận “lũ người bạc ác” ở trên bờ. Cát - người anh cả - "kế thừa" tính bảo thủ của bố nhưng cực đoan hơn bởi lấy vợ hơn chục năm mà chưa có nổi mụn con, cứ thế trút mọi bức bối lên người vợ và hai đứa em. Dậu - vợ Cát sống như một bóng ma, bấy nhiêu năm lủi thủi chịu đựng. Người anh thứ tên Sỏi nhận ra thời trai trẻ của mình đang bị chôn vùi trên chiếc thuyền nhỏ, nhưng không dám phản kháng. Chỉ có Giang, cô em gái út là nhen nhóm ý định lên bờ...
Mọi tình huống kịch diễn ra trên con thuyền đặt giữa sân khấu. Cánh buồm là một tấm phông, có dụng ý ngăn giữa hai lớp diễn xuất. Những bức xúc, căm hận, chia sẻ, ước ao được phô diễn ra phía ngoài; sự giằng xé được đẩy vào bên trong, đến với khán giả qua từng chiếc bóng in trên cánh buồm. Khi đã đào sâu số phận bi kịch của từng nhân vật, đạo diễn nhẹ nhàng đưa từng người thoát ra. Trước hết là ông bố, người cấm các con không được vớt xác người chết đuối nhưng đêm đến lại lặng lẽ đưa xác lên bờ để chôn cất, bởi trong tâm ông vẫn khao khát có được một nấm mồ như thế cho vợ mình. Tiếp đến là cảnh cô con gái út đánh bạo lên bờ, gặp được chàng Thao tốt bụng, hiền hậu, khi trở về đã thuyết phục anh thứ và chị dâu theo cùng. Kết thúc vở kịch, khi tình yêu trong sáng của đôi trẻ đã hóa giải lời nguyền, cả gia đình cùng lên bờ, vui vầy trong căn nhà mới, người xem ai nấy thở phào nhẹ nhõm.
Vở kịch chỉ có 7 diễn viên, rất ít thoại, chủ yếu là diễn nội tâm. Lối diễn đó, với NSƯT Trung Anh (vai ông bố), Minh Hải (vai Cát) thì dễ làm "tới vai", nhưng lại khó đối với những gương mặt trẻ như Lâm Cương (vai Sỏi), Ngô Thuận (vai Giang), Thế Nguyên (vai Thao). Dù đã rất nỗ lực nhưng họ vẫn "loạng choạng" trong một vài cảnh, chưa tạo được điểm nhấn cho vai diễn. Song nhìn toàn diện, vở diễn tạo được cảm xúc và hứng thú với người xem, có nhiều nét sáng tạo phù hợp với đời sống hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.