Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kích hoạt báo động đỏ cấp cứu ngừng tuần hoàn cho người đàn ông đang chăm bệnh nhân

Thu Trang| 25/08/2022 09:05

(HNMO) - Sáng 25-8, theo tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn (Hà Nội), tại đây vừa cấp cứu thành công bệnh nhân N.D.D (ở xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn), đang chăm sóc người nhà nằm điều trị tại bệnh viện thì đột ngột bị ngất, ngừng tuần hoàn.

Kích hoạt hệ thống báo động đỏ nội viện, Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn đã cấp cứu kịp thời bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn.

Trước đó, vào sáng 23-8, ông D đang chăm sóc người nhà nằm điều trị tại Khoa Nội (Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn) thì đột ngột bị ngất, gọi hỏi không đáp ứng. 

Khám và cấp cứu cho bệnh nhân D, các bác sĩ đánh giá, bệnh nhân thở ngáp, tím môi chi, đồng tử 2 bên giãn 3mm, mạch và huyết áp không đo được. Bệnh nhân D được chẩn đoán ngừng tuần hoàn. 

Ngay lập tức, Khoa Nội đã kích hoạt hệ thống báo động đỏ nội viện. Các kíp cấp cứu của Khoa Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc nhanh chóng phối hợp với Khoa Nội cấp cứu ngừng tuần hoàn cho người bệnh như: Ép tim ngoài lồng ngực, đặt ống nội khí quản, sốc điện tạo nhịp tim, truyền dịch, tiêm thuốc…

Sau 15 phút nỗ lực cấp cứu, người bệnh có mạch trở lại, mạch: 100l/p, huyết áp: 115/70 mmHG, Sp02: 97%. Sau đó, bệnh nhân được chuyển tuyến trên điều trị.

Qua khai thác thông tin từ người nhà của ông Ngô Duy D được biết, bệnh nhân chưa phát hiện bệnh lý trước đây. Trước khi bị ngất 3 ngày, bệnh nhân chỉ kêu bị đau bụng nhưng chưa đi khám bệnh.

Đây là một trường hợp ngừng tuần hoàn đột ngột trên nền bệnh nhân chưa phát hiện tiền sử bệnh đặc biệt. 

Bác sĩ Vũ Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn cho biết, ngừng tuần hoàn do nhiều nguyên nhân nhưng có 2 nguyên nhân hàng đầu là bệnh mạch vành cấp và đột quỵ não. Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ngay cả ở những người chưa bao giờ phát hiện ra bệnh tim mạch trước đây. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời, đúng cách thì vẫn có thể tái lập được tuần hoàn và bảo tồn được các chức năng thần kinh về sau. 

“Để phòng tránh, người bệnh cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ phát hiện các bệnh lý, điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Trong cấp cứu ngừng tuần hoàn, thời gian được ví như vàng vì càng được thực hiện sớm thì cơ hội sống của người bệnh càng cao”, bác sĩ Vũ Tuấn Dũng khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kích hoạt báo động đỏ cấp cứu ngừng tuần hoàn cho người đàn ông đang chăm bệnh nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.