Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kích cầu thị trường nông sản cuối năm

Đỗ Minh| 08/01/2023 06:29

(HNM) - Để đáp ứng nhu cầu nông sản cho người dân Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều địa phương đã mở các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, làng nghề. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa kích cầu cho thị trường cuối năm; đồng thời giúp doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng nâng cao nhận thức về các thương hiệu sản phẩm Việt.

Người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm nông sản tại Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội 2022. Ảnh: Nguyễn Quang

Sôi động các điểm giới thiệu sản phẩm

Những ngày này, điểm giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề đặt tại siêu thị mini Phương Linh (xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ) đã thu hút hàng trăm khách hàng đến mua sắm, tham quan mỗi ngày.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương, là huyện có tiềm năng lớn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của Hà Nội với các loại sản phẩm đa dạng như: Rau an toàn, thịt lợn sinh học, kẹo bánh… Đến nay, Phúc Thọ đã có 59 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); trong đó có 29 sản phẩm 4 sao, 30 sản phẩm 3 sao. “Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, làng nghề... được mở vào dịp cuối năm đã đáp ứng nhu cầu của người dân, qua đó giới thiệu được những sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu đến với người tiêu dùng. Thời gian tới, Phúc Thọ sẽ chú trọng phát triển sản phẩm, các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cũng như các chương trình xúc tiến thương mại. Đây là sự hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất...” - bà Lê Thị Kim Phương khẳng định.

Tương tự huyện Phúc Thọ, cuối tháng 12-2022, huyện Thanh Oai cũng đã phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội khai trương Chương trình Xúc tiến, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, OCOP, làng nghề trên địa bàn. Chương trình có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP đến từ các tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Thái Nguyên, Thái Bình, Hòa Bình, Hà Nam, Nghệ An... và thành phố Hà Nội, với gần 1.000 dòng sản phẩm. Cùng với việc quảng bá, kết nối doanh nghiệp, chương trình kết hợp việc bán hàng với tổ chức trình diễn, chế biến sản phẩm tại chỗ...

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình nhận định: Chương trình này đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, qua đó mở rộng thị trường, tạo đà phát triển sản xuất; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, làng nghề nắm bắt cơ hội, giao lưu, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, liên doanh, liên kết, đầu tư khai thác các tiềm năng, thế mạnh. Đặc biệt là đưa đến cho người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng cao…

Nói về hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, ông Nguyễn Nguyên Minh - chủ cơ sở sản xuất giò chả Nguyên Minh ở xã Ước Lễ (huyện Thanh Oai) cho hay, thông qua chương trình, cơ sở đã nhận được hàng trăm đơn hàng cho dịp Tết Nguyên đán này.

Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Nhu cầu thực phẩm đối với thị trường Hà Nội dịp cuối năm tăng gấp 2 đến 3 lần và thành phố cũng cung cấp một lượng lớn nông sản cho các tỉnh, thành phố khác, do đó hoạt động xúc tiến thương mại cần được đẩy mạnh trong dịp này. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho biết: “Hằng năm, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các tỉnh, thành phố trao đổi, cung cấp thông tin về cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Sở tiếp tục duy trì Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm thành phố Hà Nội (check.hanoi.gov.vn). Hệ thống này đã hỗ trợ, hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống cho 3.263 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông sản; đã cấp 12.021 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống...”.

Thông tin về việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, thời gian tới huyện sẽ mở thêm các điểm bán hàng nông sản để phục vụ người dân địa phương và một số huyện lân cận.

Về các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp trong dịp này, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh đánh giá: Chương trình xúc tiến thương mại nông sản, làng nghề hướng đến mục tiêu kích cầu tiêu dùng nội địa, bình ổn thị trường dịp cuối năm; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn các huyện nói riêng và toàn thành phố nói chung. Đặc biệt, chương trình còn giúp doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng nâng cao nhận thức về các thương hiệu sản phẩm Việt; thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.

Để chủ động cung ứng nguồn nông sản cho người dân, Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương rà soát nhu cầu thị trường, đưa ra dự báo đối với những mặt hàng trọng điểm, giúp doanh nghiệp có kế hoạch trong sản xuất cũng như liên kết thị trường, nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu nông sản hay giá cả tăng đột biến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kích cầu thị trường nông sản cuối năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.