(HNMO) - Tháng 9, những thửa ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải (Yên Bái) và nhiều tỉnh Tây Bắc vào độ chín vàng. Khi ngành Du lịch Việt Nam thực hiện kích cầu du lịch lần 2, Tây Bắc là một trong những vùng du lịch tạo hiệu quả thấy rõ nhờ những chiến lược liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương, đơn vị.
Khám phá "đặc sản" Tây Bắc
Mặc dù không phải mùa cao điểm của du lịch Việt (thường là vào tháng 7, tháng 8), nhưng với các tỉnh vùng núi phía Bắc, từ tháng 9 năm trước đến tháng 1 năm sau lại là lúc đón khách đông nhất.
Mù Cang Chải đang là điểm du lịch được săn đón nhiều nhất trong dịp này. Tháng 9, thời điểm được coi là "mùa vàng" theo nhiều nghĩa. Lúa chín vàng óng trên những thửa ruộng bậc thang, đẹp đến ngẩn ngơ. Mùi thơm của lúa chín, sắc vàng - xanh phủ kín những quả đồi, núi tạo nên không gian mê hoặc, khó cưỡng.
Đến Mù Cang Chải dịp này, bạn sẽ được trải nghiệm sự hiểm trở của đèo Khau Phạ - một trong "tứ đại đỉnh đèo" của Việt Nam; thăm làng cốm Tú Lệ, cùng tham gia quy trình giã cốm với bà con dân tộc Mông; khám phá cung đường với những thửa ruộng bậc thang đẹp nổi tiếng được công nhận là danh thắng du lịch quốc gia tại La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xù Phình... Bạn cũng đừng quên thưởng thức ẩm thực đúng phong vị "hương đồng gió nội" đặc sản của địa phương, như: Lợn mán, rau rừng, gà đen, cá suối, xôi xếp nương, cốm Tú Lệ...
Chịu khó đi sâu vào bản của người Mông, du khách sẽ hiểu hơn cuộc sống bình dị, dân dã của đồng bào dân tộc nơi đây. Ngắm nhìn những giàn bí đỏ sai quả phơi mình trên mái nhà, hay những giàn ngô vàng óng được treo trên cao..., bạn sẽ thấy cuộc sống như chậm lại, thư thái và tĩnh tại.
Sau "mùa vàng" tại Mù Cang Chải sẽ là mùa vàng tại những thửa ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì (Hà Giang), Điện Biên, Lai Châu; mùa hoa tam giác mạch ở Hà Giang...
Vì thế, lúc này đang được cho là "thời điểm vàng" để các công ty lữ hành chào bán các gói tour với nhiều mức giá (tùy vào số ngày lưu trú). Đa số tour dao động từ 1,9 đến 2,3 triệu đồng/người đi Mù Cang Chải; tour vòng cung Tây Bắc 4 ngày đi Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên có giá hơn 3,6 triệu đồng/người; tour Hà Nội - Hoàng Su Phì - Xín Mần - Simacai - Bắc Hà 3 ngày có giá hơn 2,5 triệu đồng/người...
Giám đốc Công ty du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài cho viết, dịp tháng 9, mỗi tuần đơn vị có khoảng 10 xe (45 chỗ) đưa khách đi các tuyến, trong đó đông nhất là những tour đi Mù Cang Chải và các tỉnh miền núi phía Bắc. Hiện nay, Công ty du lịch VietSense còn "bắt tay" với nhiều công ty lữ hành khác để hình thành Grouptour, tổ chức "gom" những khách có cùng nhu cầu khám phá Mù Cang Chải. Sự liên kết này rõ ràng tạo nên hiệu quả nhất định, giúp các công ty lữ hành từng bước gỡ khó trong việc tập hợp khách mà vẫn bảo đảm chất lượng dịch vụ.
Liên kết du lịch Hà Nội - Tây Bắc
Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội đang có chuyến khảo sát, xúc tiến du lịch tại các tỉnh Tây Bắc, mở đầu là chuyến khảo sát tại Mù Cang Chải. Trưởng phòng Xúc tiến du lịch Nguyễn Hữu Việt cho biết, chuyến khảo sát lần này có sự tham gia của rất nhiều đơn vị lữ hành Hà Nội, như: VietSense, Goldentour, Sao Mai... Mục đích của chuyến khảo sát này là để các đơn vị tìm hiểu thêm các điểm đến nhằm hình thành sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách Hà Nội hơn. Hiện nay, các tour đi Mù Cang Chải mới dừng lại ở những sản phẩm mang tính bình dân, tới đây các công ty sẽ hướng đến sản phẩm cao cấp hơn, đưa khách đến những khu nghỉ dưỡng, resort tiện nghi tại khu suối nước nóng Trạm Tấu, Suối Giàng...
"Tây Bắc đang là vùng du lịch hấp dẫn không chỉ cảnh sắc, thiên nhiên tươi đẹp mà các dịch vụ cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách. Tới đây, Hà Nội sẽ liên kết chặt chẽ hơn với các tỉnh Tây Bắc để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn", ông Nguyễn Hữu Việt cho biết.
Trao đổi với Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái Triệu Bích Ngọc cho biết, 8 tỉnh Tây Bắc, trong đó có Yên Bái, đã có liên kết phát triển du lịch với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác. Trong đợt kích cầu du lịch này, Yên Bái sẽ hình thành thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, như: "Bay trên mùa nước đổ" vào tháng 5 và 6, "Khám phá mùa vàng" vào tháng 9 và 10...
Tại hội nghị "Kích cầu du lịch nội địa - Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn" vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định, trong đợt kích cầu du lịch lần 2, việc liên kết phát triển du lịch vùng đang là giải pháp tốt.
"Tây Bắc đang làm rất tốt việc phát triển du lịch vùng, kích cầu du lịch. Để kích cầu du lịch thành công, các đơn vị cần tăng cường liên kết, tạo thêm những gói sản phẩm, dịch vụ chất lượng với giá tốt để thu hút khách. Khách đặt tour sẽ có lợi hơn rất nhiều so với việc tự đi", ông Vũ Thế Bình nhận định.
Ngành Du lịch đang triển khai kích cầu du lịch lần 2 với tiêu chí an toàn, hấp dẫn. Có thể thấy sự khởi sắc nhất định ở những vùng du lịch trọng điểm, trong đó có Tây Bắc, các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.