Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khuyến nghị nâng hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp

Ánh Dương| 08/10/2022 12:55

(HNMO) - Ngày 8-10, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong tổ chức Hội thảo về chính sách đất đai trong nông nghiệp liên quan khu vực Đồng bằng sông Hồng và góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

 Các đại biểu thảo luận, góp ý sửa đổi Luật Đất đai tại hội thảo.

Tại hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thông tin, với tầm quan trọng, ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội của chính sách, pháp luật đất đai, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương luôn quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đất đai.

Bên cạnh những mặt tích cực, chính sách, pháp luật đất đai hiện hành còn bộc lộ những hạn chế, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển nông nghiệp nói riêng, như: Về tích tụ, tập trung đất đai; điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chính sách thu thuế từ các hoạt động chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất... chưa rõ ràng, chưa đồng bộ, gây khó khăn cho các cơ quan thực hiện, gây phiền hà cho người sử dụng đất.

Mặt khác, tình trạng ruộng bị bỏ hoang, không canh tác, gây lãng phí nguồn lực, trong khi nhiều chủ đầu tư không thuê được đất để đầu tư canh tác... Do đó, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 là yêu cầu cấp thiết nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách về đất đai của Đảng, Nhà nước, bảo đảm phù hợp các văn bản trong hệ thống pháp luật, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình thực thi.

Thạc sĩ Bùi Thái Hà, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho rằng, sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào việc sử dụng có hiệu quả hay không nguồn lực đất đai. Với khoảng 62,88% dân số (khoảng 62,88 triệu người) sinh sống chủ yếu ở vùng nông thôn, nên các chính sách liên quan đến đất đai có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân ở nhiều góc độ như sở hữu đất đai, sử dụng đất; hoạt động sản xuất trên đất nông nghiệp...

Cũng theo Thạc sĩ Bùi Thái Hà, thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường tính đến 1-1-2021 cho thấy, tổng diện tích đất nông nghiệp toàn quốc là 27,983 triệu héc-ta; tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp đã giao cho các đối tượng sử dụng chiếm 83,6%, trong đó giao cho các hộ nông dân khoảng 15 triệu héc-ta, chiếm 60,2%, trong khi tổng số hộ có diện tích đất nông nghiệp dưới 0,5ha chiếm tới 63%... Sự nhỏ lẻ, manh mún, phân tán của ruộng đất ảnh hưởng tới quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, cản trở việc cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ, ảnh hưởng năng suất, hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp...

Trao đổi về đề xuất định hướng bổ sung, hoàn thiện chính sách tích tụ ruộng đất nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn, Thạc sĩ Nguyễn Văn Tốn, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, có nhiều điểm tích cực trong chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, như: Nhà nước cho phép thời gian giao đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân từ 20 năm lên 50 năm thống nhất cho các loại đất nông nghiệp; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, bảo đảm phù hợp điều kiện cụ thể từng vùng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp...

Tuy nhiên, điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư quy định tại khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai là chưa phù hợp, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, thời gian kéo dài, mất cơ hội thu hút đầu tư; hoặc theo quy định của Luật Đất đai, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng, cho quyền sử dụng đất trồng lúa... làm hạn chế các quyền cơ bản của hộ gia đình, cá nhân trong giao dịch dân sự, cản trở tổ chức, cá nhân đầu tư quy mô lớn vào sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp...

Tại hội thảo, Thạc sĩ Nguyễn Văn Tốn và các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên gia nghiên cứu về đất đai đồng quan điểm: Để phát triển nền nông nghiệp toàn diện có năng suất, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, cần mở rộng hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp nhằm bảo đảm việc tích tụ đất nông nghiệp phù hợp tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, đáp ứng xu hướng phát triển của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật về đất đai, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và tích tụ, tập trung ruộng đất.

Đồng thời, bổ sung quy định về đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, theo đó, cho phép các tổ chức, cá nhân trong nước có đủ tiềm lực về vốn, công nghệ được nhận quyền chuyển nhượng đất nông nghiệp, kể cả đất lúa, đất rừng phòng hộ để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt; nâng cao năng lực hoạt động quản lý nhà nước về đất đai, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, tích cực hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuyến nghị nâng hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.