Trước thực trạng đáng báo động về những tác hại của game bạo lực, việc cho ra đời loại hình game giáo dục trực tuyến là một xu hướng phù hợp với thời đại.
Điều này không những mang lại một hình ảnh mới, lành mạnh của game online trước cộng đồng mà còn đóng góp những giá trị tích cực cho giáo dục và xã hội. Rất có thể lần đầu tiên các khía cạnh nhân văn của game sẽ thực sự được tỏa sáng. Xuất phát từ mục đích tốt đẹp đó, Bộ GD&ĐT phối hợp với trung ương Đoàn TNCS HCM, Hội đồng Đội Trung ương và Công ty cổ phần Trò chơi giáo dục trực tuyến EGAME tổ chức phát động cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo về trò chơi giáo dục”.
Các em học sinh được khuyến khích lên tiếng xây dựng sân chơi trực tuyến của riêng mình |
Cuộc thi viết "Ý tưởng sáng tạo về trò chơi giáo dục" dựa trên nền tảng vốn có của Chinh Phục Vũ Môn – một game giáo dục đang “gây sốt” đối với thế giới học đường suốt thời gian qua. Dựa trên cốt truyện cá chép vượt vũ môn hóa rồng, Chinh Phục Vũ Môn hướng các em học sinh tới việc ôn tập, tiếp thu kiến thức, rèn luyện kỹ năng trải rộng trên các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và kiến thức chung.
Mục đích của cuộc thi là nhằm tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích trên mạng internet, phát triển tư duy sáng tạo, đóng góp ý tưởng xây dựng những trò chơi có ý nghĩa, mang tính giáo dục cao góp phần đẩy lùi trò chơi độc hại, bạo lực trên thị trường, gây ảnh hưởng đến các em học sinh. Cuộc thi cũng là cơ hội cho các em học sinh khẳng định mình, được thể hiện ý tưởng, trí tuệ, phương pháp học tập mới thông qua trò chơi giáo dục trực tuyến; đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Hiện nay, trò chơi trực tuyến có một thế giới phong phú và sinh động nhưng cũng nhiều thách thức với những bạo lực, vô tình tạo cho một bộ phận thanh thiếu nhi có lối sống lệch lạc với giá trị ảo. Vì vậy, thay vì cấm đoán các em, chúng ta cần nghiên cứu ý tưởng cho ra các sản phẩm có tính giáo dục cao, để thanh thiếu nhi bên cạnh chơi thư giãn còn có thể tiếp thu những kiến thức phục vụ việc học tập, có kỹ năng bảo vệ mình và bảo vệ người khác.
Cuộc thi hướng tới đối tượng chính là tất cả đoàn viên, thanh niên, đội viên, thiếu niên, nhi đồng đang học tập, sinh hoạt tại các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, các Nhà thiếu nhi, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi và địa bàn dân cư trên toàn quốc.Tham gia cuộc thi, các em học sinh sẽ có cơ hội được khẳng định mình, được thể hiện ý tưởng, trí tuệ và trải nghiệm phương pháp học tập mới thông qua trò chơi giáo dục trực tuyến; cũng như sáng tạo những ý tưởng hay, sinh động, phong phú và đa dạng hơn cho trò chơi Chinh Phục Vũ Môn.
Thế giới học đường chung tay xây dựng trò chơi trực tuyến |
Bài thi được thể hiện dưới dạng viết (khuyến khích có các mô hình, giải pháp công nghệ cụ thể) với các nội dung: Thể hiện ý tưởng sáng tạo của học sinh về trò chơi trực tuyến lành mạnh, mang ý nghĩa giáo dục với nội dung, hình thức hấp dẫn với các lứa tuổi, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Sáng tạo ra những ý tưởng mới, sinh động phong phú và đa dạng hơn cho trò chơi chinh phục vũ môn được tải về từ trang web: www.chinhphucvumon.vn.
Bài dự thi phải có ý tưởng mới lạ, độc đáo, có tính khả thi cao và nội dung rõ ràng. Nếu bài dự thi có sử dụng hình ảnh, trích dẫn từ các tài liệu khác thì phải ghi chú, trích dẫn nguồn gốc. Toàn bộ bài thi gửi tham gia cuộc thi sẽ được lưu giữ và được sử dụng làm tài liệu cho các hoạt động của Ban tổ chức và không trả lại với bất kỳ lý do nào. Thí sinh đạt giải sẽ nhận được rất nhiều phần quà có giá trị hấp dẫn, đồng thời được tham gia vào công tác phát triển dự án khi thực hiện.
Thời gian tổng kết và trao thưởng dự tính vào trung tuần tháng 9/2013.
- Thời gian nhận bài dự thi: từ 25/3/2013 đến hết ngày 30/8/2013.
- Bài dự thi gửi về: Hội đồng Đội Trung ương; số 64 Bà Triệu - Hoàn Kiếm - Hà Nội hoặc email: ytuong@egame.vn
(Bên ngoài bìa thư ghi rõ: Bài dự thi “Ý tưởng sáng tạo về trò chơi giáo dục”).
Công văn Bộ GD&ĐT gửi các Sở GD&ĐT về Hưởng ứng và triển khai các cuộc thi viết “Ý tưởng sáng tạo về trò chơi giáo dục trực tuyến” có thể download tại đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.