(HNM) - Một mùa xuân nữa đang về và mùa xuân như đến sớm hơn với xứ Đoài. Chủ tịch UBND xã Phong Vân, huyện Ba Vì Lê Văn Cường nói: Nếu không có phong trào hiếu học, mỗi gia đình dạy bảo con cháu chăm ngoan, học giỏi để giờ đây với tấm lòng thơm thảo góp sức cùng với chính quyền địa phương chung tay xây dựng quê hương, thì không có một Phong Vân to đẹp như ngày hôm nay.
Như để minh chứng cho điều mình nói, Chủ tịch UBND xã Phong Vân đưa chúng tôi đi thăm một vòng các công trình phúc lợi xã hội do người dân đóng góp xây dựng. Từ sân đình được lát gạch đỏ, sạch sẽ, khang trang, đến những ngôi chùa được tôn tạo và nhà văn hóa cũng được nhân dân tự hiến đất xây dựng. Điển hình trong các gia đình chung tay xây dựng quê hương phải kể tới gia đình cụ Nguyễn Văn Khản, ở thôn Vân Hội đã hiến hơn 100m2 đất và tiền xây dựng nhà văn hóa, trị giá hơn 300 triệu đồng. Theo Trưởng thôn Vân Hội Ngô Đại Thắng, không chỉ chung tay xây dựng quê hương, kiến thiết đường làng, ngõ xóm và các công trình phúc lợi xã hội, người dân Phong Vân còn hỗ trợ nhau làm kinh tế, nhiều chương trình đào tạo nghề cho nông dân như trồng nấm, rau màu… được triển khai. Các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới được những người con quê hương đưa về, tạo ra diện mạo mới cho làng quê.
Không chỉ có vậy, Phong Vân còn biết đến là một vùng quê có truyền thống văn hiến và hiếu học, những năm qua Phong Vân được xem như một điểm sáng trong phong trào xây dựng "Gia đình hiếu học", "Dòng họ khuyến học", góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục - đào tạo của huyện nói riêng và Hà Nội nói chung. Ngược dòng thời gian, Chủ tịch UBND xã Lê Văn Cường cho biết, cách đây 20 năm, vì kế sinh nhai, nhiều người dân trong xã phải tìm đến nơi rừng thiêng, nước độc thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc để đào đãi vàng và sa khoáng với mong muốn thoát đói, giảm nghèo. Khi phong trào đào đãi vàng lắng xuống, hàng trăm người dân trở về địa phương, tiền vàng chẳng thấy đâu mà chủ yếu đem theo tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, trộm cắp về quê, với số người nghiện lên tới 108, chủ yếu là thanh niên trai tráng, người trong độ tuổi lao động, trụ cột của các gia đình. Có nhiều lý do để người dân mắc vào các tệ nạn xã hội, trong đó có một nguyên nhân cơ bản là do nhiều thanh niên không được học hành chu đáo, nhận thức còn hạn chế.
Được sự động viên, khích lệ, cả những quan tâm cụ thể của những người con xa quê, thành đạt ở các lĩnh vực khác nhau, xã đã thành lập Hội đồng giáo dục, Hội Khuyến học và tập trung xây dựng phong trào khuyến học, hiếu học đến từng gia đình, dòng họ. Điều quan trọng, thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục để tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục, coi giáo dục là động lực, là cơ sở cho xóa đói, giảm nghèo, bài trừ các tai tệ nạn xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền đến từng gia đình và mỗi người dân trong xã hiểu được rằng, chỉ có đầu tư cho giáo dục là sự đầu tư tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất và danh giá nhất. Từ sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo địa phương, sự chăm lo chu đáo của các cấp học, sự cổ vũ, động viên kịp thời, thiết thực của ông Nguyễn Mạnh Thản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua và nhiều con em công tác xa quê, phong trào khuyến học, khuyến tài và sự hiếu học trong mỗi gia đình, dòng tộc được nhân rộng. Hằng năm, ở Phong Vân đều tổ chức cho các thầy giáo, cô giáo dạy giỏi, các cháu học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó ở các cấp học, học sinh thi đỗ vào các trường đại học… đi tham quan. Ngoài sự quan tâm, chăm lo chu đáo của các nhà trường, địa phương và các Mạnh thường quân, tất cả 58 dòng họ trong xã đều có quỹ khuyến học, tổ chức tuyên dương khen thưởng cho các thành viên trong dòng họ có thành tích cao trong học tập dịp giỗ Tổ…
Kể từ khi có Hội đồng giáo dục, Hội Khuyến học, có trung tâm học tập cộng đồng đến nay, kết quả học tập ở các cấp học rất đáng tự hào, năm sau số học sinh giỏi, học sinh thi đỗ vào các trường đại học… cao hơn năm trước. Năm 2011 chỉ có 231 học sinh giỏi các cấp, thì năm 2012 có tới 265 học sinh giỏi các cấp, tăng 34 cháu. Năm 2011 có 56 cháu được vào các trường đại học, cao đẳng chính quy, thì năm 2012 có tới 63 cháu thi đỗ đại học, cao đẳng… Đời sống của người dân ngày một cải thiện, an ninh chính trị và an toàn xã hội luôn ổn định. Đặc biệt, các tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi, để từ một xã điểm nóng về ma túy nay dần trở lại bình yên vốn có của một miền quê giàu truyền thống của xứ Đoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.