(HNM) - Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung kêu gọi cộng đồng chấm dứt ăn thịt chó, mèo và động vật hoang dã nhằm phòng, chống dịch Covid-19.
Song, trên thực tế, những cơ sở kinh doanh thịt chó, mèo trên địa bàn thành phố vẫn khá tấp nập. Loại bỏ các loại thịt động vật có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cao ra khỏi thực đơn hằng ngày là cách mà mỗi người dân có thể thực hiện được ngay nhằm góp phần cùng cộng đồng phòng, chống dịch.
Vẫn còn chủ quan...
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đưa ra nhiều khuyến cáo để mỗi người dân biết cách phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với lời kêu gọi của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung về việc hạn chế sử dụng thịt chó, mèo làm thực phẩm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cũng khuyến cáo rằng chó, mèo có thể lây nhiễm một số loại vi rút gây bệnh trên người, nhất là Covid-19 cao do chúng là động vật cảm thụ. Vì thế, người dân không nên ăn thịt của loài động vật này, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Song, đáng tiếc khi vẫn có nhiều người chưa lưu tâm điều này. Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới ngày 23-3 (tức ngày 30 tháng Hai âm lịch), nhiều cơ sở kinh doanh thịt chó, mèo trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn tấp nập khách mua và ăn tập trung tại quán.
Khoảng 11h - 12h30, tại phố Tam Trinh (quận Hoàng Mai), 3 cửa hàng bán thịt chó gần nhau: Quán Anh Tú số nhà 37, Tỵ Béo số nhà 43 và Khánh Hoa số nhà 45 chật kín khách. Còn nằm ngay trung tâm quận Ba Đình, 2 đại lý bán thịt chó ở số 31 và 33 Phùng Hưng ngày nào cũng đông khách.
Tương tự, khu vực chợ Vồ, đầu phố Trần Văn Chuông, phường Yết Kiêu (quận Hà Đông) có 3 quầy bán thịt chó chặt luôn đông khách vào chiều hằng ngày, mỗi quầy thường bày 4-5 con; thịt chó bày trên mặt bàn, không che đậy. Tại phố Hữu Hưng, giáp ranh giữa quận Hà Đông và Nam Từ Liêm, đoạn phố chỉ dài khoảng 150m nhưng có gần chục cửa hàng, quầy bán thịt chó, mèo.
Còn ở thôn Vân Đình, thị trấn Vân Đình và xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa) - địa phương nổi tiếng với thương hiệu "thịt chó Vân Đình" và "tiểu hổ" - dù số quán bán thịt chó, mèo đã giảm nhiều, nhưng vẫn thu hút khá đông thực khách...
Tiếp cận với một số thực khách, chúng tôi nhận thấy nhiều người vẫn rất chủ quan, biện hộ do thói quen khó bỏ này. "Dù biết thịt chó, mèo không được kiểm soát khi giết mổ, người giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo còn có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm..." - anh Nguyễn Văn Cường, phường Mai Động (quận Hoàng Mai) cho biết.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Trang, thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) cũng giải thích: Thịt chó là món ăn truyền thống của vùng quê này nên để chấm dứt thói quen đó cần có thời gian để người dân thích nghi dần.
Mỗi người cần nâng cao ý thức
Theo tìm hiểu của phóng viên, toàn thành phố còn 793 cơ sở, điểm kinh doanh thịt chó, mèo, giảm khoảng 30% cơ sở kinh doanh so với trước. Thực hiện lời kêu gọi cộng đồng chấm dứt ăn thịt chó, mèo và động vật hoang dã nhằm phòng, chống dịch Covid-19 của Chủ tịch UBND thành phố, nhiều địa phương đã tuyên truyền, vận động các hộ ngừng kinh doanh thịt chó, mèo; kêu gọi người dân từ bỏ thói quen sử dụng thịt chó, mèo, thay bằng thực phẩm khác, song kết quả chưa như mong đợi.
Ông Trần Văn Vịnh, Chủ tịch UBND phường Mai Động (quận Hoàng Mai) băn khoăn: Thịt chó, mèo không nằm trong danh mục hàng cấm kinh doanh, nên cán bộ phường chỉ vận động các hộ dừng kinh doanh để phòng, chống dịch Covid-19 chứ không thể xử lý.
Chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Nhung, Chủ tịch UBND phường Nhân Chính cho biết thêm, mấy năm gần đây số người ăn thịt chó cũng như kinh doanh thịt chó, mèo trên địa bàn giảm đáng kể. Từ khi thành phố vận động người dân hạn chế ăn thịt chó, mèo, UBND phường đã tuyên truyền để người dân hiểu, đồng tình với chủ trương này.
Về góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội khuyến cáo: Để góp phần ngăn chặn sự lây truyền dịch Covid-19 do yếu tố trung gian truyền bệnh là động vật (chó, mèo), Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đề nghị chủ nuôi nên hạn chế tiếp xúc gần với chó, mèo và phải rửa tay bằng xà phòng đúng cách sau khi chơi đùa cùng chó, mèo. Không nên giết mổ và không sử dụng thịt chó, mèo, nhất là thịt chưa qua xử lý nhiệt, chưa chín vì rất dễ lây nhiễm bệnh dại và một số bệnh truyền nhiễm khác...
Đưa ra giải pháp nhằm thực hiện nghiêm việc hạn chế sử dụng thịt chó, mèo và động vật hoang dã nhằm phòng, chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Trước mắt, các sở, ngành và chính quyền các cấp cần tăng cường kiểm tra, xử lý việc kinh doanh, buôn bán, giết mổ chó, mèo bất hợp pháp; đồng thời tăng cường truyền thông để người dân không sử dụng thịt chó, mèo do những rủi ro về sức khỏe liên quan đến việc tiêu thụ thịt không kiểm soát. Về lâu dài, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội sẽ tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội xây dựng quy định liên quan đến việc dừng kinh doanh thịt chó, mèo, trình UBND thành phố phê duyệt, theo đó dự kiến khoảng năm 2021, các quận nội thành Hà Nội sẽ thực hiện cấm bán thịt chó, mèo.
Như vậy có thể thấy, việc sử dụng thịt chó, mèo làm thực phẩm trong bữa ăn sẽ khiến nguy cơ lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 và một số vi khuẩn, vi rút gây bệnh khác gia tăng. Vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, mỗi người nên tự ý thức, bỏ thói quen cá nhân vì lợi ích chung cho toàn xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.