(HNMCT) - Có dịp đặt chân đến miền biên viễn Trùng Khánh, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội ghé thăm Làng du lịch cộng đồng Khuổi Ky (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng). Ngôi làng nhỏ này có sức hút kỳ lạ với nhiều du khách bởi vẻ bình yên, trầm mặc và đặc biệt là bản sắc văn hóa truyền thống tỏa ra từ những nếp nhà sàn bằng đá...
Nơi thời gian ngưng đọng
Làng du lịch cộng đồng Khuổi Ky nằm trên tỉnh lộ 206 dẫn đến động Ngườm Ngao, cách thác Bản Giốc chỉ 2km. Ngôi làng được hình thành trong khoảng năm 1594 - 1677, khi nhà Mạc từ Thăng Long chạy lên Cao Bằng. Nơi đây hiện có 16 hộ gia đình người Tày sinh sống; điểm đáng chú ý là 14 ngôi nhà sàn bằng đá được xây dựng từ thế kỷ XVI, hiện vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu.
Từ tỉnh lộ 206 rẽ vào Khuổi Ky, du khách có thể cảm nhận được nét cổ kính, trầm mặc của ngôi làng nhờ cây cầu mái lợp ngói âm dương vắt qua dòng suối Khuổi Ky hiền hòa. Con đường dẫn vào làng được lát đá hộc. Hàng rào ngăn cách những ngôi nhà được xếp đá một cách công phu, đã tồn tại hàng trăm năm. Trong một khu vực có diện tích khoảng 10.000m2, 16 nếp nhà ở Khuổi Ky được dựng quây quần bên nhau, tạo cơ sở cho sự gắn kết bền chặt giữa các gia đình. Phần diện tích còn lại chủ yếu là đất canh tác của người dân.
Tập quán dựng nhà bằng đá xuất phát từ tín ngưỡng thờ thần đá của người Tày. Trong tâm thức của họ, thần đá mang sức mạnh tự nhiên có thể bảo vệ và mang lại cho họ cuộc sống yên bình. Để dựng được một ngôi nhà sàn bằng đá phải mất khoảng 2 - 3 năm. Diện tích nhà lớn hay nhỏ tùy thuộc vào số người trong gia đình. Mỗi ngôi nhà thường cao 5 - 7m, gồm 2 tầng. Tầng dưới là các cột gỗ được dựng chắc chắn trên nền đá. Cũng có nhà xây tường đá kín cả hai tầng, xung quanh trổ nhiều ô cửa rộng. Mái lợp ngói âm dương. Với kiểu kiến trúc này, những ngôi nhà sàn của người Tày luôn mát về mùa hè, ấm về mùa đông.
Đá là loại vật liệu đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Tày ở Khuổi Ky. Đá có mặt ở mọi nơi, không chỉ để xây nhà mà còn được tạo thành vật dụng hằng ngày như cối xay, bếp lò hay làm hàng rào, đập nước... Bởi thế, ngôi làng đá Khuổi Ky ẩn chứa trong mình kho tàng tri thức bản địa độc đáo, tạo nên nét đặc trưng riêng có, đó là sự dung dị, hoài cổ như thể thời gian đã ngưng đọng sau bao thăng trầm của lịch sử...
Bảo tồn là “chìa khóa” phát triển du lịch
Mặc dù chỉ có hơn chục hộ sinh sống nhưng Khuổi Ky hiện là làng du lịch cộng đồng kiểu mẫu của Cao Bằng. Năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Khuổi Ky là Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người. Từ năm 2016, nhờ được chính quyền quan tâm đầu tư, người dân lại chịu khó học hỏi về cách làm du lịch cộng đồng, đến nay Khuổi Ky đã có 14 hộ gia đình tham gia mô hình này. Từ đây, họ có thêm nguồn sinh kế ổn định, chất lượng cuộc sống cũng được cải thiện rõ rệt.
Bà Triệu Thị Cập, 80 tuổi, một người dân làng Khuổi Ky chia sẻ: “Từ khi có nhiều khách du lịch đến đây, chúng tôi được tiếp xúc với nhiều điều mới mẻ. Bây giờ, gia đình nào cũng tham gia làm du lịch, không đón khách lưu trú thì cung cấp dịch vụ phụ trợ như chở khách, cung cấp nông sản sạch cho các hộ làm homestay. Trẻ con được đi học đầy đủ. Người lớn được tiếp xúc với công nghệ và thế giới văn minh. Tôi vui vì thấy cuộc sống dân làng đã được cải thiện”.
Chia sẻ về trải nghiệm thú vị trong hành trình thăm Trùng Khánh, du khách Nguyễn Văn Vượng (phường 10, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh) nói: “Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến vùng núi phía Bắc, lại là vùng biên giới của Tổ quốc. Rất xúc động. Phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và những con người hồn hậu, chất phác đã để lại cho tôi ấn tượng đặc biệt. Tôi sẽ không bao giờ quên được sự đón tiếp nồng hậu của người dân, những nếp nhà sàn bằng đá độc đáo và trải nghiệm đạp xe khám phá con đường vành đai biên giới, thăm thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao...”.
Nhìn nhận về thành quả bước đầu đạt được trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch, Bí thư xã Đàm Thủy Lương Văn La chia sẻ, “chìa khóa” tạo nên sức hấp dẫn của Làng du lịch cộng đồng Khuổi Ky nằm ở việc người dân và chính quyền địa phương đồng lòng gìn giữ không gian làng cổ, hạn chế xây sửa theo lối kiến trúc hiện đại, luôn chú trọng gìn giữ nét văn hóa bản địa đặc trưng. “Chúng tôi thường xuyên vận động, tuyên truyền để bà con hiểu được giá trị của những nếp nhà sàn đá cổ hay nét đẹp của trang phục truyền thống và những điều bình dị trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Từ đó, bà con sẽ tự nguyện tham gia gìn giữ và giới thiệu nét đẹp văn hóa đó với du khách. Chính điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn cho ngôi làng đá cổ 400 năm tuổi ở miền biên viễn này” - ông La nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.